Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya ngày 2/11 đã chống lại lệnh đình chỉ Quốc hội của Tổng thống nước này, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc họp của các nhà lập pháp vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng Hiến pháp đang căng thẳng tại quốc gia này.
Người phát ngôn của ông Jayasuriya cho biết Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc gặp với 118 nghị sỹ và cam kết Quốc hội sẽ mở cửa hoạt động vào ngày 7/11 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Jayasuriya cho biết ông đã nhận được nhiều lời kêu gọi từ các nghị sỹ về việc phản đối sắc lệnh của tổng thống, cũng như những kêu gọi từ các nhà ngoại giao và các nhóm dân sự xã hội về việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sri Lanka.
Trước đó, Tổng thống Maithripala Sirisena đã ra lệnh đình chỉ Quốc hội gồm 225 thành viên đến ngày 16/11 trong bối cảnh tình hình chính trị rối loạn sau quyết định của ông về việc cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe để bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vào vị trí này.
[Tổng thống Sri Lanka khôi phục lại hoạt động của quốc hội]
Ông Wickremesinghe từ chối chấp nhận việc bãi nhiệm trên và đã đề nghị triệu tập cuộc họp Quốc hội để chứng minh ông vẫn nhận được sự ủng hộ từ đa số nghị sỹ.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Sri Lanka Tung-Lai Margue cho biết khối này sẽ cân nhắc bỏ quy định miễn thuế cho một số mặt hàng xuất khẩu của Sri Lanka vào EU do lo ngại ý định bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vào cương vị Thủ tướng.
EU cho rằng việc này có thể làm chệch các nỗ lực hòa giải dân tộc tại Sri Lanka.
Trong thời gian ông Rajapaksa giữ chức tổng thống trước đây, Sri Lanka đã nổ ra cuộc xung đột với tộc thiểu số Tamil làm hơn 10.000 người thiệt mạng.
Năm 2016, Sri Lanka cam kết sẽ đẩy mạnh nỗ lực hòa giải với cộng đồng Tamil sống tại miền Đông và miền Bắc, để đổi lấy quy chế miễn thuế cho xuất khẩu vải vóc và cá vào thị trường EU./.