Chủ tịch Quốc hội Phần Lan thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Ngày 26/3, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho đã đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; dự Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long-Bắc Ninh.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Khu Di tích Lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 26/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho cùng Đoàn đã đến thăm Di tích Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; dự Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long-Bắc Ninh...

Thăm Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho cùng Đoàn đã được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi gắn liền với truyền thống hiếu học của dân tộc, nơi hội tụ tinh hoa đất học của Đại Việt xưa, Việt Nam ngày nay.

Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cùng Đoàn tham quan những công trình kiến trúc cổ như cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, vườn bia tiến sỹ và về Vạn thế sư biểu Chu Văn An; tìm hiểu về nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan đã ghi sổ vàng lưu niệm.

Lãnh đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tặng Chủ tịch Quốc hội Phần Lan và Đoàn cuốn sách "Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long."

Văn Miếu-Quốc Tử Giám xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông); được xem như biểu tượng của tri thức và của nền giáo dục Việt Nam.

Với kiến trúc cổ xưa và những giá trị nhân văn độc đáo, Văn Miếu-Quốc Tử Giám chính là gạch nối lịch sử của Hà Nội xưa và nay, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.

Trong những năm qua, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hình ảnh tái hiện lại không gian sống của tù nhân trong Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tại Thủ đô Hà Nội, cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho cùng Đoàn đã tới thăm, tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò với nhiều tài liệu, hiện vật quý, hiểu thêm về quá trình hoạt động anh dũng, quật cường của các nhà cách mạng Việt Nam.

Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, xây dựng năm 1896 tại làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội (nay là 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội).

Đây là nơi giam giữ hàng nghìn người Việt yêu nước. Bị giặc Pháp bắt giam, dù phải chịu cảnh sinh hoạt hà khắc, bị đày đọa nhưng các chiến sỹ cách mạng vẫn giữ trọn lòng yêu nước, bất khuất, kiên cường, vượt lên gian khó, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Hiện nay, Di tích nhà tù Hỏa Lò trở thành “địa chỉ đỏ,” nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho cùng Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường Tân Thời Đại (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội). Đây là trường Tiểu học đầu tiên tại Hà Nội sử dụng toàn bộ phương pháp giáo dục của Phần Lan, tiêu biểu với phương pháp “Fun Learning - Học vui vẻ để vui vẻ học.”

Chương trình học của trường do các chuyên gia hàng đầu Phần Lan và Việt Nam xây dựng dựa trên chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được tích hợp thành 6 lĩnh vực.

Trong chiều 26/3, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan và Đoàn đã đến thăm, dự Lễ khai trương Văn phòng lãnh sự mới của Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) tặng tranh dân gian Đông Hồ, đặc sản làng nghề Bắc Ninh cho ngài Jussi Halla-aho, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho cùng Đoàn đã tham dự Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy Điện rác Thăng Long-Bắc Ninh tại thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (được hỗ trợ, xây dựng và vận hành theo công nghệ Phần Lan).

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tiếp Đoàn.

Chứng kiến Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cho biết, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước có sự chuyển dịch từ viện trợ phát triển sang hợp tác phát triển, đẩy mạnh hợp tác thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Dự án này là một trong những minh chứng cho sự hợp tác, góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững mà hai quốc gia cùng hướng tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải bày tỏ niềm vinh dự khi ngài Jussi Halla-aho cùng Đoàn công tác đã dành thời gian tham dự sự kiện, thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ Phần Lan đối với công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng; tô điểm thêm mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai đất nước.

Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp đang được triển khai và 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và khoảng 300.000 lao động.

Mỗi ngày tỉnh phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể hàng trăm tấn rác thải công nghiệp). Số lượng này tăng khoảng 7-10% một năm.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long - Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Hiện toàn tỉnh có 4 nhà máy đốt rác phát điện, với tổng công suất khoảng 1.500 tấn/ngày. Đến nay có 1 nhà máy đi vào vận hành chính thức, 2 nhà máy vận hành thử nghiệm.

Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long-Bắc Ninh có tổng diện tích khoảng 5 ha, công suất xử lý 500 tấn/ngày, công suất phát điện 11MW, tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng (tương đương 58,3 triệu USD).

Dự án sử dụng các công nghệ thiết bị tiên tiến, nhập khẩu trực tiếp từ Phần Lan, đặc biệt dây chuyền tiền xử lý rác và lò đốt tầng sôi hoàn toàn lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.

Đây sẽ là "mảnh ghép cuối cùng" của tỉnh Bắc Ninh trong việc xử lý dứt điểm rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày.

Sau khi Nhà máy điện rác đi vào hoạt động, Bắc Ninh sẽ trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện công nghệ cao, tiên tiến của thế giới.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cùng Đoàn đã tham quan nhà máy và nghe giới thiệu quy trình vận hành, xử lý rác thải tại nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục