Chủ tịch Quốc hội Phần Lan kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho ngoài khu vực châu Âu kể từ khi ông nhậm chức và chỉ đi thăm Việt Nam, không kết hợp thăm nước khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tối 26/3, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho cùng Đoàn rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-26/3, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tiễn Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho và Đoàn tại Sân bay quốc tế Nội Bài có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto.

Trong thời gian thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho và Đoàn đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho.

Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho đã có buổi hội đàm thành công tốt đẹp.Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-Aho.

Thăm và làm việc tại Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan tham dự Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long - Bắc Ninh tại thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ (được hỗ trợ, xây dựng và vận hành theo công nghệ Phần Lan).

Tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan đã thăm và làm việc tại Trường Tân Thời Đại; dự Lễ khai trương Văn phòng lãnh sự mới của Đại sứ quán Phần Lan; thăm Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho ngoài khu vực châu Âu kể từ khi ông nhậm chức và chỉ đi thăm Việt Nam, không kết hợp thăm nước khác.

Điều này cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chuyến thăm đồng thời cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan-Việt Nam (1973-2023).

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho cùng đoàn đại biểu cấp cao tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, lãnh đạo hai bên cùng đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí tiếp tục cùng nhau tìm hướng đi mới, cách làm mới và động lực mới để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhằm gia tăng tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương vì mục tiêu đảm bảo ổn định, hòa bình và phát triển bền vững.

Hai bên bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước được duy trì tốt đẹp thông qua trao đổi đoàn cấp lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).

Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện; tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, tăng cường giao lưu nghị sĩ, trong đó có Nhóm nghị sỹ Việt Nam-Phần Lan, trong quan hệ với ASEAN, nghị sỹ nữ, nghị sỹ trẻ; trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động nghị viện nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cơ quan giúp việc.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long-Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Hai bên thống nhất tăng cường giám sát việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước; hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hợp tác giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp hai nước; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ, tăng cường tham vấn, trao đổi thông tin, phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương IPU, ASEP...

Cảm ơn Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong Phần Lan tiếp tục tác động để những Nghị viện còn lại trong EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định này; Phần Lan ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời người tiêu dùng châu Âu tiếp cận hàng thủy sản chất lượng tốt với giá cạnh tranh.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua hàng loạt đạo luật, trong đó có việc kiểm soát, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Việc này là vì lợi ích thiết thực cho bản thân Việt Nam, vì sự phát triển bền vững, cũng như thực hiện cam kết tại COP26.

Về trụ cột hợp tác kinh tế, hai bên hoan nghênh trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư song phương phát triển vượt bậc, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng.

Do đó, hai nước tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhất là trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu, thế mạnh như công nghệ cao, phát triển xanh, môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ thông tin...

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các dự án được tài trợ trong Chương trình đầu tư công Phần Lan, tập trung vào các ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai bên cũng chia sẻ thông tin và quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và một số vấn đề cùng quan tâm; khẳng định hai nước sẵn sàng hợp tác song phương và tại các diễn đàn đa phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, vì hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới và khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục