Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội Báo toàn quốc 2018

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc phản ánh các hoạt động chính trị-ngoại giao, kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội Báo toàn quốc 2018 ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hội Báo toàn quốc năm 2018 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới" đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội.

Đây là hoạt động do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Chiều 16/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến tham quan các gian trưng bày các ấn phẩm báo chí của Hội Báo toàn quốc.

Sau khi tham quan các gian trưng bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sáng kiến của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tổ chức Hội Báo toàn quốc, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, góp phần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan báo chí, những người làm báo...

Hội Báo còn kết hợp nhiều hoạt động đặc sắc nhằm thu hút nhiều đơn vị báo chí, các bộ, ban, ngành và đông đảo công chúng tham gia, hưởng ứng, từ đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc phản ánh các hoạt động chính trị-ngoại giao, kinh tế-xã hội của đất nước, những vấn đề quốc tế, khu vực thời gian qua một cách kịp thời, phong phú với nhiều loại hình báo chí hiện đại, hấp dẫn bạn đọc...

[Chủ tịch Quốc hội thăm gian trưng bày của TTXVN tại Hội báo toàn quốc]

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2018, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức gặp gỡ, tôn vinh một số nhà báo tuổi 90, những cây bút xuất sắc góp phần viết nên lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Tham dự sự kiện trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2018 này có 10 nhà báo tuổi 90 gồm: Phan Quang, Hà Đăng, Thái Duy, Đặng Minh Phương, Đào Nguyên Cát, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Trần Thiết, Lý Thị Trung, Võ Thế Ái.

Tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kính chúc các nhà báo lão thành luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui, tiếp tục viết báo và giúp các thế hệ làm báo vững vàng niềm tin, ngày càng trưởng thành hơn nữa; đồng thời bày tỏ tin tưởng các nhà báo lão thành đã dũng cảm, kiên cường đi qua nhiều cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc, tiếp tục là những tấm gương chuẩn mực trong nghề nghiệp và cuộc sống thời bình.

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ năm 1925, đã tiếp tục sứ mệnh to lớn của các thế hệ làm báo đi trước, thực hiện thành công những nhiệm vụ cao cả của mình đối với đất nước, với nhân dân. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra và tiếp đó là kháng chiến chống Pháp, đã có một bộ phận những người cầm bút hăng hái, nhiệt tình, chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, hy sinh, coi cây bút như một vũ khí chiến đấu sắc bén. Họ chính là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tuyên truyền của Đảng.

Lịch sử dân tộc gắn liền với tên tuổi những lãnh tụ của Đảng, những nhà báo hàng đầu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy... Bên cạnh đó là thế hệ nhà báo chiến sĩ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, thế hệ nhà báo thời kỳ kháng chiến chống Pháp và liên tục làm báo cho đến nay. Họ là những học trò suất sắc, nhận được sự kèm cặp, dìu dắt từ Bác Hồ và những nhà báo tiền bối, cùng làm nên những "thế hệ vàng" của báo chí Cách mạng Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội Báo toàn quốc 2018 ảnh 2Đại biểu tham dự chương trình gặp gỡ các nhà báo tuổi 90. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại cuộc gặp gỡ, các nhà báo Phan Quang, Hà Đăng… đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động về làm báo trong thời kỳ chiến tranh; cho rằng từ quá khứ hào hùng của dân tộc, Việt Nam hiện nay là đất nước yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do với nhiều thành tựu kinh tế-xã hội, chính trị-an ninh quốc phòng.

Các nhà báo trẻ cần tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông đi trước, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao nghiệp vụ để có những tác phẩm báo chí chất lượng đáp ứng nhu cầu của độc giả thời đại mới.

Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Cách Mạng Việt Nam đã chiếu bộ phim tư liệu về các nhà báo tuổi 90 phục vụ công chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục