Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng và những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 16/3, tại tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng và những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận cách Thành phố Hồ Chí Minh 198 km, nằm liền kề với các tỉnh trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8,08% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.

So với với năm 2017, năm 2018 tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản của Bình Thuận giảm từ 32,9% xuống 30,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng nhẹ, hiện là 31% và khu vực dịch vụ 38,1%.

Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu cũng như qua theo dõi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, với những kết quả đạt được, Bình Thuận hiện nay so với nhiều năm trước đây đã có sự phát triển tiến bộ hơn nhiều, là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế và trong nước, thu hút đầu tư.

Đánh giá tiềm năng phát triển của Bình Thuận còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những “điểm nghẽn,” những khó khăn xoay quanh 5 kiến nghị của tỉnh, gồm điều chỉnh khu vực dự trư khoáng sản titan và điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan; xử lý tro xỉ và môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết; vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại dự án hồ chứa nước Ka Pét; cho chủ trương đầu tư Dự án Hồ La Ngà 3.

Chỉ rõ Bình Thuận có bãi biển đẹp, với 192km bờ biển có thể khai thác quanh năm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những tiềm lực lớn này nếu được phát huy, khai thác tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội thì sẽ là động lực để Bình Thuận phát triển hơn nữa, từ đó đời sống nhân dân sẽ khá và giàu lên.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn,” tạo động lực phát triển

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Tỉnh ủy đã quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tập trung quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và đánh giá cao những cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bình Thuận trong những năm qua.

Đánh giá kết cấu hạ tầng tuy được cải thiện nhưng so với yêu cầu phát triển còn hạn chế nhất định, tình hình kinh tế-xã hội còn những khó khăn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến quan trọng thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận cần tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Nhất trí với báo cáo của Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm so với mục tiêu đề ra. Nhấn mạnh vấn đề lớn nhất của Bình Thuận hiện nay là nước cho tiêu dùng, sinh hoạt, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, phân tích về khó khăn, “điểm nghẽn” của Bình Thuận hiện nay nằm ở “vùng chồng lấn” khu vực dự trữ khoáng sản titan.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì trữ lượng và tài nguyên quặng trên địa bàn là 599 triệu tấn với tổng diện tích 101.227ha; trong đó diện tích đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đến năm 2020, có xét tới năm 2030 là 26 khu vực với diện tích 19.527ha và 6 khu vực đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia với diện tích 82.700ha.

Qua rà soát diện tích các quy hoạch, hầu hết chồng lấn các quy hoạch ngành về xây dựng phát triển đô thị, năng lượng, du lịch, nông lâm nghiệp theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên tỉnh rất khó khăn trong việc chấp thuận các dự án đầu tư phát triển kinh tế.

Tỉnh dự kiến có 3 dự án phát triển du lịch, hầu hết đất nằm trong khu vực dự trữ titan. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cho rằng, hiện khai thác khoáng sản titan hiệu quả không cao, trong khi đó Bình Thuận có lợi thế phát triển du lịch, năng lượng sạch trong khi vòng đời của dự án năng lượng sạch là 25 năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nội dung này theo quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc xử lý theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Về xử lý tro xỉ và môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo.

Quốc hội sẽ đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các Bộ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ đến năm 2020; cơ chế chính sách hỗ trợ về công nghệ, tài chính, thị trường tiêu thụ và giá thành sản phẩm để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu không nung từ nguồn tro, xỉ … trên tinh thần phải bảo đảm được vấn đề không ảnh hưởng sức khỏe và cũng như chất lượng sản phẩm làm ra…

Về triển khai dự án cảng hàng không Phan Thiết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành hữu quan, cũng như tỉnh Bình Thuận về thẩm quyền đối với từng hạng mục. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng về hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định. Trên cơ sở đó điều chỉnh nguồn vốn Nhà nước đầu tư, cũng như thu hút các nguồn vốn khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại tỉnh Bình Thuận ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Tư, 88 tuổi ở thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, có chồng và một con là liệt sỹ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Với vai trò của mình, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát, đốc đốc việc thực hiện. Vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét để trữ nước về mùa mưa, điều tiết và cung cấp nguồn nước về mùa khô cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng là rất cần thiết và cấp bách, nhất là trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng là trên 162 ha. Theo quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (trên 50ha).

Do đó, tỉnh kiến nghị Quốc hội thông qua việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dự án hồ chứa nước để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai các bước tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc, có báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng Năm tới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến kiến nghị của Bình Thuận về chủ trương đầu tư Dự án Hồ La Ngà 3 nhằm góp phần giải quyết nhu cầu cấp nước tưới trong nông nghiệp, nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch của địa phương và các tỉnh lân cận cũng như thực hiện nhiệm vụ phát điện.

Nhấn mạnh để tránh tình trạng lặp lại các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành cần xử lý các kiến nghị của tỉnh đã được kết luận; đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trên kết quả buổi làm việc đôn đốc theo dõi, có thể sẽ đưa vào nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới để từ đó Quốc hội xem xét, ra nghị quyết thực hiện, không để kéo dài.

Ghi nhận Bình Thuận đã có 61% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần cố gắng tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng hiệu quả, giá trị gia tăng, chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Bình Thuận cần tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ thuộc thẩm quyền để thu hút đầu tư. Tuy nhiên không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải tính đến phát triển bền vững; tiếp tục giám sát chặt chẽ những khu vực, dự án có nguy cơ về môi trường; quan tâm thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân...

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chủ động nắm chắc, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung phương thức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể theo hướng gần dân, hiểu dân, trọng dân, chăm lo giải quyết những yêu cầu bức thiết, chính đáng của nhân dân.

Phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bình Thuận sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; năng động sáng tạo hơn nữa nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội...

Trước đó, vào chiều 15/3, tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Thạnh (90 tuổi) ở thị trấn Tân Nghĩa; thăm mẹ Hồ Thị Tư (88 tuổi) tại thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm; mẹ Phạm Thị Năm (94 tuổi) tại thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ.

Tại những nơi tới thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ân cần thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng thời động viên và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như các thương bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng đã có những cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Bày tỏ vui mừng khi chứng kiến đời sống những gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, nhà cửa khang trang, đất đai sản xuất canh tác cho thu nhập khá từ thanh long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách với người có công, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã được thực hiện nhiều năm qua, đồng thời cũng dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho các đối tượng này.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm đến các gia đình chính sách trên địa bàn nhằm thực hiện tốt chế độ, chính sách đã ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục