Chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội một mặt kế thừa những thành tựu đạt được của các khóa trước, một mặt đứng trước nhiều áp lực phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hoạt động hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, mối quan hệ tốt đẹp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ thể hiện trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mà trong suốt lịch sử hoạt động của hai bên.

Đặc biệt, với cuộc bầu cử lần này, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng Mặt trận Tổ quốc đã linh hoạt, chủ động trong việc hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho ứng cử viên cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cách làm này đã được cả hệ thống chính trị đánh giá cao, để lại dấu ấn đậm nét.

Tại Hội nghị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đánh giá rất cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác bầu cử.

[Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp]

Những thành công rất tốt đẹp của cuộc bầu cử có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự cố gắng, nỗ lực của Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban bầu cử các cấp. Trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc rất quan trọng, đặc biệt là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đều đã vào cuộc với công suất tối đa, trách nhiệm rất cao.

Các đại biểu cũng cho rằng, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, có nhiều đổi mới trong việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nêu đề xuất về tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, các đại biểu Quốc hội nên tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri riêng, tiếp xúc theo chuyên đề, nhất là khi xây dựng các dự luật mới để có thêm nhiều ý kiến phong phú từ thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội. Về hoạt động giám sát, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tăng các cơ quan của Quốc hội tiến hành thêm việc giám sát các vụ việc cụ thể và theo đến cùng các vụ việc giám sát.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần sớm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử phù hợp với thực tiễn đặt ra. Nên chăng cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là với đại biểu sẽ hoạt động chuyên trách; quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ số dư bắt buộc tại các lần hiệp thương, bảo đảm thực chất, tránh tình trạng hình thức còn xảy ra ở một số nơi. Hay bổ sung đa dạng hơn các hình thức vận động bầu cử, phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng được các thành tựu về công nghệ thông tin, vì thực tế vừa qua đã cho thấy chúng ta tổ chức rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao hơn. Việc này không chỉ áp dụng trong điều kiện dịch bệnh, mà trong điều kiện bình thường cũng là kinh nghiệm tốt cần áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ trước khi Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định việc giới thiệu và phân bổ đại biểu về ứng cử ở các địa phương.

Về Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần phối hợp rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện để phục vụ cho hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội một mặt kế thừa những thành tựu đạt được của các khóa trước đây, một mặt cũng đứng trước nhiều áp lực phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 161 của Quốc hội Khóa XIV, vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội đã rất dày công cùng các cơ quan xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, Chương trình hành động đang được triển khai thực hiện bài bản, quyết liệt, trong đó có nhiều nội dung phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc.

Từ thực tế tiếp xúc cử tri vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chất lượng công tác này đã ngày càng được nâng lên. Các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri rất phong phú, từ tiếp xúc theo địa bàn, đơn vị ứng cử, luân phiên để có thể tiếp xúc ở các địa bàn khác, hay tiếp xúc chuyên đề theo ngành, lĩnh vực... Tuy nhiên, công tác tiếp xúc cử tri cũng cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chuyên môn của hai Bên phối hợp nghiên cứu, tổng kết đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 525 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và nội dung về tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng Nhân dân tại Nghị quyết 753 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục