Sáng 28/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kinh tế tại cuộc làm việc, trong đó có 9 nội dung kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban cũng như của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng điểm nổi trội trong hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ này là công tác lập pháp với việc chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 13 luật (8 luật sửa đổi, bổ sung và 5 luật ban hành mới).
Trong số đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một “dấu son” trong hoạt động lập pháp của nhiệm kỳ này, đi vào cuộc sống rất nhanh.
Hệ thống luật pháp về đầu tư, kinh doanh ngày càng đổi mới, hoàn thiện hơn như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Chứng khoán,… Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có chất lượng ngày càng cao hơn, sắc sảo và thuyết phục hơn.
[Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội]
Chia sẻ với đánh giá của Thường trực Ủy ban Kinh tế về khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, lực lượng chưa được kiện toàn đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ủy ban đã đóng góp rất lớn cho thành công của Quốc hội khóa XIV. Quan trọng nhất là các thành viên Ủy ban luôn trên tinh thần đoàn kết, sẻ chia, phối hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thường trực Ủy ban và từng Tiểu ban hoạt động chuyên sâu theo lĩnh vực không chỉ làm tốt công tác liên kết dọc, mà còn làm tốt công tác liên kết ngang. Trong đó, sự phối hợp giữa các Tiểu ban cũng như giữa Ủy ban với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành khá tốt.
Định hướng sắp tới, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn nhất trí với 9 nhóm kiến nghị của Ủy ban; đồng thời đề nghị quán triệt tới các thành viên và vụ giúp việc Ủy ban về vị trí, vai trò rất quan trọng của Ủy ban. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Với vị trí quan trọng như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban cần cố gắng nhiều hơn, tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu để phác thảo đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Kinh tế, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Về trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xây dựng định hướng phục vụ Chiến lược xây dựng pháp luật trong 5-10 năm tới để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần chủ động hơn trong công tác xây dựng pháp luật và trong sáng kiến lập pháp.
Nhấn mạnh đến dự án trọng điểm và rất khó của Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Kinh tế vào cuộc sớm, trước mắt là phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời phác thảo những định hướng lớn cần sửa đổi.
Cùng với đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng. Các mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới ra đời, làm đảo lộn các hoạt động kinh tế truyền thống.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng ý tưởng hơn là cách mạng về công nghệ, có tính chất phá hủy những gì đã có nhưng cũng đem lại dư địa phát triển cho nước ta. Chúng ta có thể thực hiện cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để giải phóng năng lực sản xuất.
Luật Đầu tư (sửa đổi) đã cho phép thực hiện cơ chế này. Bây giờ, cần xác định vấn đề nào do Chính phủ, vấn đề nào do Quốc hội để triển khai thực hiện.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, nên việc ban hành luật cũng nhằm kiến tạo phát triển chứ không phải để quản lý.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tính toán thêm tính ổn định của pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống nhưng cũng cần khắc phục chuyện quá câu nệ và máy móc, nhiều vấn đề chưa rõ, chưa đủ rõ đã quy định cứng ở trong luật mà không giao cho Chính phủ hướng dẫn, làm cho “đời sống” của luật rất ngắn. Theo Chủ tịch Quốc hội, cả hai hướng này đều cần phải khắc phục.
Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung lớn như Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công; Kế hoạch tài chính 5 năm; tỷ lệ điều tiết… trên tinh thần sớm, nhanh chóng, kịp thời. Với những dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban Kinh tế nên có tham vấn chuyên gia rất kỹ lưỡng.
Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế về việc chuyển trọng tâm giám sát vào hoạt động thi hành pháp luật, đồng thời gợi ý tập trung vào công tác giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, xem việc ban hành văn bản hướng dẫn có sát với quy định của pháp luật không.
Việc giám sát không chỉ về tiến độ ban hành văn bản, mà cả nội dung văn bản được ban hành. Qua giám sát phát hiện bất cập, chồng chéo để có giải pháp tháo gỡ. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, công tác giải trình phải bám sát thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ rà soát những điểm chồng chéo, trùng lặp, bất cập trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, có phương pháp rà soát phù hợp. Từ đó nhận diện những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
“Cơ chế phải vừa mang tính hệ thống, vừa linh hoạt, phục vụ cuộc sống, kiến tạo phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh cần bảo đảm quy định của luật chỉ được hiểu theo một nghĩa, không có cách hiểu khác nhau.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận và giao Ủy ban Kinh tế nghiên cứu và xây dựng khung khổ cho Diễn đàn kinh tế thường niên, huy động các chuyên gia tham gia đóng góp cho Quốc hội khi xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội./.