Chủ tịch nước: Việt Nam không lệ thuộc bất kỳ quốc gia nào

Tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam không lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.
Chủ tịch nước: Việt Nam không lệ thuộc bất kỳ quốc gia nào ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cử tri Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Trong các cuộc tiếp xúc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và cử tri tại quận 1, ngày 26/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam không lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.

Chia sẻ với những băn khoăn của các nhân sỹ, trí thức, cử tri thành phố, Chủ tịch nước nêu rõ, về đường lối đối ngoại, Việt Nam khẳng định lập trường là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình sự phát triển. Việt Nam không lệ thuộc bất kỳ quốc gia nào.

Với Trung Quốc, xuất phát từ quan hệ láng giềng, Việt Nam trước sau như một, luôn mong muốn tăng cường hữu nghị, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Sau khi xảy ra vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép, Việt Nam tìm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn thông qua hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự thật về chủ quyền quốc gia và chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông, các quốc gia trên thế giới đều hiểu rõ và tỏ thái độ ủng hộ.

Về hợp tác kinh tế, Chủ tịch nước khẳng định, những hoạt động phối hợp mang lại lợi ích cho cả hai bên vẫn sẽ đảm bảo tăng cường hợp tác; nhưng những việc làm gây thiệt hại sẽ phải đấu tranh để loại bỏ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, bên cạnh những yếu tố gây thiệt hại từ nước ngoài, cần chú ý tác nhân yếu kém bên trong để xử lý.

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, đồng bào trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cùng khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước chung đúc trên dưới một lòng.

Cho rằng đại đoàn kết sẽ là nhân tố quyết định trong bảo vệ chủ quyền đất nước, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, mỗi người dân, tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, cần nỗ lực phát huy trách nhiệm trước an nguy của Tổ quốc; là chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu. Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế, cả nước cần chú trọng đẩy mạnh lao động sản xuất để giúp vững mạnh kinh tế nước nhà. Cùng với giữ vững quyết tâm, các cử tri cần đóng góp sáng kiến giúp các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả tình hình đất nước.

Cũng tại các cuộc tiếp xúc, đại diện các giới nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, cử tri đã nghe đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

Diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, đặc biệt là tình hình Biển Đông, do vậy, Quốc hội dành thời gian để nghị sự về các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực: kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Với tinh thần làm việc tập trung,

Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 Nghị quyết, cho ý kiến về 16 dự án luật. Nhiều vấn đề được cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở, băn khoăn cũng được các đại biểu Quốc hội phản ánh và thảo luận tại nghị trường.

Quan tâm sâu sắc đến những diễn biến trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đại diện nhân sỹ, trí thức: Lê Quý Lâm, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Bé, Trần Ngọc Thổ, Hoàng Thị Khánh, cùng các cử tri tại quận 1 đã bày tỏ đồng tình, nhất trí với những nội dung phát biểu của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước về tình hình Biển Đông, lên án mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Các đại biểu đồng loạt nhấn mạnh đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện kiên quyết các biện pháp đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế, khích lệ thi đua yêu nước, nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Với những hành động gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh như vừa qua, các cử tri đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, tòng phạm; bên cạnh đó có hình thức xem xét trách nhiệm với cá nhân, tập thể, cơ quan chức năng thụ động để xảy ra vụ việc, thiếu biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Các ý kiến nêu ra tại hội nghị cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội làm rõ việc có hay không tình trạng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh, cách làm luật còn chung chung như hiện nay, đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế. Dẫn chứng về những quy định hiện hành về tính giá cho thuê đất với doanh nghiệp đầu tư còn vướng mắc, các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả, luật cần quy định chi tiết cụ thể để tránh tình trạng, có thể tùy tiện vận dụng theo nhiều cách khác nhau cho cùng nhóm đối tượng.

Ghi nhận những nỗ lực của đại biểu Quốc hội đã phản ánh nhiều vấn đề bức xúc của cử tri đến nghị trường, các đại diện chức sắc tôn giáo thành phố cũng đồng tình với chính sách của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, kiến nghị cơ quan chức năng có hình thức xử lý hoạt động tà đạo, gây mất đoàn kết tôn giáo.

Bên cạnh đó, các đại biểu dự hội nghị đồng tình với việc Quốc hội bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch; đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường kênh thông tin đối ngoại để cập nhật tình hình đến với kiều bào nước ngoài; kiến nghị Đảng, Nhà nước chăm lo ngư dân và người dân ở vùng hải đảo với mức sống cao hơn đất liền. Về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đa số cử tri cho rằng, cần có cách làm phù hợp điều kiện hoàn cảnh để giúp người dân phát huy và thể hiện lòng yêu nước.

Góp ý với các cơ quan báo chí trong cập nhật tình hình thời sự Biển Đông, nhân sỹ, trí thức đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cần có thêm định hướng thông tin, giảm tin tiến độ. Hoan nghênh gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng dành cho cảnh sát biển, ngư dân, kiểm ngư, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội giám sát chặt chẽ khoản kinh phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục