Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 29/11, theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã rời thành phố Geneva, kết thúc tốt đẹp thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 25 đến ngày 29/11 theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin.
Thành công của chuyến thăm đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt, thiết thực với Thụy Sĩ qua các định hướng hợp tác mới, tiềm năng về kinh tế, thương mại, đầu tư….
Chuyến thăm cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc cũng như các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ cho nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới thông qua đổi mới, sáng tạo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đã chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Cấp cao Việt Nam tại thành phố Bern.
Tại hội đàm, trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Guy Parmelin nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo.
Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng trân trọng chuyển lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như gửi lời mời Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin thăm chính thức Việt Nam.
Trong phát biểu tại họp báo chung, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin khẳng định, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là dấu ấn phát triển mới trong quan hệ hai nước; nhấn mạnh “Việt Nam là nước ưu tiên trong chính sách hợp tác kinh tế của Thụy Sĩ. Mục tiêu chương trình hỗ trợ của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ là giúp kinh tế Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững hơn nữa.”
Tổng thống cũng cho rằng, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), trong đó có Thụy Sĩ chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả trong tương lai.
Tại buổi hội kiến với Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Thụy Sỹ Andreas Aebi ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt sớm hoàn tất Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA mà Thụy Sĩ là thành viên, cũng như sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Tại thành phố Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ với sự tham dự của trên 100 doanh nghiệp hai nước.
[Chủ tịch nước tiếp Thị trưởng Bern và lãnh đạo một số tập đoàn Thụy Sĩ]
Tổng thống Guy Parmelin cho biết, Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế. Dự kiến, ít nhất 70 triệu franc Thụy Sĩ sẽ được đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2021-2024.
Trong buổi tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thị trưởng thành phố Bern Alec Von Granffenried nhấn mạnh dù là một thành phố nhỏ trong một nước có diện tích nhỏ ở châu Âu, nhưng Bern có “một trái tim lớn dành cho Việt Nam.” Thành phố Bern sẽ tiếp tục cùng với Hà Nội tăng cường mối quan hệ hợp tác đã có từ nhiều năm nay.
Cũng tại Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Schneider Ammann, cựu Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ và ông Philipp Roesler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Khoa học Công nghệ Đức (2009-2013), nguyên Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Đức (FDP) và tiếp lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực: Hạ tầng, công nghiệp nặng, công nghệ cao, điện, dược phẩm…
Tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc với Tổng giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, bà Tatiana Valoya; Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), ông Daren Tang; Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế Chile, ông Oscar Enrique Paris đang có chuyến thăm và làm việc tại Geveva, Thụy Sĩ.
Tại các cuộc làm việc, tiếp xúc, thay mặt Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn chân thành và đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiếp cận và triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhất là vaccine cho trẻ em; giúp đỡ về vật tư, trang thiết bị y tế cũng như hỗ trợ tư vấn chính sách, kinh nghiệm giúp phục hồi kinh tế-xã hội dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.
Chủ tịch nước cảm ơn Liên hợp quốc luôn hợp tác hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong gần 2 năm qua; khẳng định Việt Nam luôn duy trì chính sách nhất quán về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên.
Chủ tịch nước cũng đã tham dự lễ công bố trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO cho nhóm các nhà sáng chế trẻ của Việt Nam.
Lãnh đạo các tổ chức Liên hợp quốc đánh giá cao việc Việt Nam đã vươn lên tham gia sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và toàn diện vào các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cùng các cơ quan của các tổ chức chuyên môn.
Các tổ chức của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa ra cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền con người và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững; đồng thời khẳng định Liên hợp quốc luôn coi trọng và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên quan tâm.
Triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ chuyến thăm, tại thành phố Bern, gặp gỡ thân mật các hội đoàn, tổ chức hữu nghị và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị mới đây về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Chủ tịch nước mong muốn bà con tiếp tục phát huy tinh thần “tương thân, tương ái,” hướng về quê hương, đóng góp cho nhân dân trong nước để cùng chung tay sớm vượt qua đại dịch.
Chủ tịch nước và Phu nhân cũng đã có cuộc gặp gỡ thăm hỏi cán bộ, nhân viên Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại thành phố Geneva.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Sandra Scagliotti, Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Torino, Italy và nhận cuốn sách “Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam” do chính bà dịch từ tiếng Việt sang tiếng Italy.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra nhiều hoạt động song phương của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương với các đối tác phía Thụy Sĩ và các tổ chức của Liên hợp quốc như: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Thụy Sĩ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm việc với Quốc vụ khanh Ủy ban Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới Thụy Sĩ; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm việc với Quốc vụ khanh Ủy ban Nhà nước về các vấn đề giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo Thụy Sĩ; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự Lễ đổi mới sáng tạo do WHO tổ chức; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với Bộ Tư pháp và cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam gặp Hội Hữu nghị Thuỵ Sĩ-Việt Nam./.