Sáng 9/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư và lẵng hoa chúc mừng nhà Hán Nôm học Vũ Tuân Sán ở phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhân lễ mừng thọ tròn 100 tuổi của nhà Hán Nôm học.
Trong thư, Chủ tịch nước viết :"Là cử nhân Tây học, nhưng Cụ say sưa, kiên trì, đi về với ngọn nguồn văn hóa dân tộc, trở thành một trong những nhà Hán Nôm học-Hà Nội học kỳ cựu, có nhiều đóng góp bằng các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật có giá trị. Cụ đã nêu một tấm gương sáng trong việc cổ vũ thế hệ trẻ kế thừa khí phách và những giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha ta.
Nhân dịp Cụ tròn 100 tuổi, kính chúc Cụ nhiều sức khỏe và trường thọ; chúc gia quyến và các đồng nghiệp của Cụ một mùa xuân mới hạnh phúc, an khang."
Nhà Hán Nôm học Vũ Tuân Sán sinh vào thời mà những kỳ thi Nho học cuối cùng được tổ chức. Lớn lên, chữ Quốc ngữ, rồi tiếng Pháp đã dần thay thế cho "chữ Thánh hiền" nhưng cụ vẫn theo học chữ Hán, nghiên cứu văn hóa cổ và Hán Nôm.
Ngoài một số công trình đã xuất bản thành sách như ''Hà Nội nghìn xưa'' (đồng tác giả), ''Danh nhân Hà Nội'' (đồng tác giả)... , cụ còn viết hàng chục báo cáo khoa học, luận văn, bài nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học uy tín nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu Hán Nôm, Nghiên cứu Phật học, Nghiên cứu văn học.
Cụ Vũ Tuân Sán còn là tác giả của hàng trăm bài báo, mỗi bài viết của tác giả đều có những tìm tòi, khám phá về bóng dáng Hà Nội xưa.
Cụ đã dày công nghiên cứu về việc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long-Hà Nội, cùng với một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa, bến Ðông Bộ Ðầu, mười ba làng Trại... ; về các di tích như miếu Ðồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền...
Nhà Hán Nôm học còn là tác giả của một loạt bài nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh, các nhân vật Phạm Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Quý Ðức, Bùi Huy Bích, Phạm Ðình Hổ.../.