Chủ tịch nước: Đồng Nai cần tìm động lực, mô hình tăng trưởng mới

Chủ tịch nước cho rằng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ chậm nhịp nếu thiếu vắng vai trò mang tính dẫn dắt của Đồng Nai và một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 2/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Đánh giá cao vai trò quan trọng của tỉnh đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Chủ tịch nước cũng chỉ ra nguy cơ tụt hậu. Do đó, Đồng Nai cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, cần trở thành một cực lan tỏa phát triển cho các địa phương lân cận như Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng thay vì tiếp tục chỉ dựa vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Đảng đạt kết quả tích cực cả về kinh tế-xã hội; củng cố an ninh, quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự; công tác xây dựng đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với 1.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 303.000 tỷ đồng. Tỉnh có hơn 47.000 doanh nghiệp. Nhờ đó, quy mô kinh tế tỉnh đứng thứ tư cả nước và duy trì là một trong sáu tỉnh đóng góp ngân sách lớn nhất cho ngân sách Trung ương; thu nhập bình quân đầu người năm ngoái đã đạt 118 triệu đồng. Hơn nửa đầu năm nay, kinh tế tỉnh tăng trưởng hơn 7%.

Tuy nhiên, Đồng Nai đang thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tỉnh có 3,5 triệu dân, trong số đó có có 1,5 triệu dân là dân nhập cư trong 30 năm qua, dẫn đến hạ tầng y tế, giáo dục và nhiều hạ tầng khác chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu ý kiến, tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Đồng Nai và cho rằng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ chậm nhịp nếu thiếu vắng vai trò động lực mang tính dẫn dắt của Đồng Nai và một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tỷ trọng 12% GDP toàn vùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, sát dân, sát cơ sở, đổi mới phương thức lãnh đạo.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng được nêu trong báo cáo của tỉnh, Đồng Nai còn là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019 với 69/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục thuộc nhóm đầu cả nước. Dù nhiều dân nhập cư nhưng an ninh trật tự được đảm bảo.

Chia sẻ với những nguy cơ, thách thức phát triển mà lãnh đạo Đồng Nai đã nhận thức được trong quá trình phát triển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu như nhiều năm trước Đồng Nai là “ngôi sao sáng” trong phát triển thì nay cả nước đang có những “ngôi sao sáng” khác khiến vị thế của tỉnh bị thách thức.

Dù có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng lại thiếu những đóng góp mới nổi bật, nhất là những đóng góp có tính đột phá, bước ngoặc, mở đường như ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới; đô thị hóa chưa phải là động lực phát triển...

[Đồng Nai đề xuất Bộ GTVT đầu tư hai tuyến đường sắt hơn 91.000 tỷ đồng]

Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững và có xu hướng chậm lại, chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Môi trường đầu tư còn chưa tương xứng với đòi hỏi nhà đầu tư (PCI đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố). Công nghiệp phát triển nhanh nhưng tốc độ đô thị hóa lại chậm, chưa có chiến lược bài bản.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và dù có khoảng 1 triệu công nhân nhưng đời sống còn khó khăn, chất lượng, số lượng nhà ở xã hội không theo kịp nhu cầu.

Nêu những thách thức đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đồng Nai cần có một tầm nhìn mới, khát vọng mới trong điều kiện mới hiện nay, trong điều kiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước. Nếu không có khát vọng và không giải quyết các bất cập nội tại thì Đồng Nai sẽ không có bước phát triển mới, thậm chí có thể tụt hậu trong tương lai gần.

Do đó, Chủ tịch nước cho rằng, Đồng Nai cần phấn đấu trở thành nơi có ba cái "đáng": đáng làm, đáng sống và đáng ở. “Đáng làm” là nơi có thể đem lại nhiều công ăn việc làm, thu nhập cao cho người dân. “Đáng sống” là nơi người lao động được thụ hưởng các thiết chế văn hóa, giải trí, cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Và “đáng ở” là cần có các dự án nhà ở xã hội, giúp 1 triệu công nhân có thể tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, nếu như những thập niên trước đây Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu tận dụng lợi thế gần Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển, thì nay cần tìm động lực phát triển phải tự thân, trở thành một cực lan tỏa phát triển cho các địa phương lân cận như Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng thay vì tiếp tục chỉ dựa vào “cận thị” là Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, điều này không có nghĩa là Đồng Nai thoát ly ra khỏi Vùng Thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn phải đặt trong tổng thể lợi thế cạnh tranh chung của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy lợi thế của nhau và cùng chia sẻ cơ hội phát triển.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Đồng Nai cần tìm kiếm những động lực, mô hình tăng trưởng mới. Bởi nếu tiếp tục dựa vào quán tính tăng trưởng của những động lực cũ sẽ không đủ để tạo ra đột phá và dẫn dắt tăng trưởng Vùng và cả nước. Nhất là tập trung vào tái cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Cùng với yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, Chủ tịch nước cho rằng, yếu tố quan trọng vẫn là chiến lược phát triển kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế hợp tác theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Do đó tỉnh phải đặt kinh tế tư nhân đúng vị trí và tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực.

Bên cạnh đó, đô thị hóa phải trở thành động lực phát triển quan trọng của Đồng Nai, tương xứng với sự phát triển của công nghiệp, kiến tạo môi trường sống tốt cho người dân, nhất là công nhân.

“Phải thay đổi tư duy về cách làm, cách phân bổ nguồn lực trên cơ sở tạo động cơ khuyến khích cán bộ hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Nếu chọn đột phá nhưng tư duy không đổi, cách làm không đổi, thiếu tinh thần hành động thì chỉ là đột phá trên giấy”: Chủ tịch nước lưu ý.

Từ lợi thế có sân bay Long Thành đang triển khai, Đồng Nai cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng và tạo kết nối hạ tầng trong vùng, nghiên cứu tạo không gian phát triển mới như đô thị sân bay, các khu kết nối với cảng Cái Mép, Thị Vải, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước lưu ý Đảng bộ tỉnh cũng cần nâng cao năng lực lãnh đạo; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục