Chủ tịch nước: Cần chú trọng phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh

Chủ tịch nước đề nghị ngành Y tế chú trọng phát triển kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, sáng 26/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2018), phát động phong trào thi đua yêu nước và đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, phát biểu chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Bệnh viện Bạch Mai; Huân chương Lao động hạng Nhất tặng phó giáo sư, tiến sỹ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tich nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh những thành tích, đóng góp to lớn mà các thế hệ giáo sư, bác sỹ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, đất nước cũng phải đối mặt với các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm và những thách thức khác trong lĩnh vực y tế. Nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng, tạo sức ép ngày càng lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế…

[Thủ tướng mong y, bác sỹ chăm sóc người bệnh như ruột thịt của mình]

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đòi hỏi đội ngũ giáo sư, bác sỹ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng tiếp tục tập trung đổi mới, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Cấp cứu, khám chữa bệnh tuyến cuối; đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, phòng, chống dịch bệnh, hợp tác quốc tế và quản lý kinh tế y tế với mục tiêu xuyên suốt là không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Y tế chú trọng phát triển kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu, nhất là về tim mạch, cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, thần kinh, y học hạt nhân và ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, hóa sinh, vi sinh…

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, từng bước khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh kết hợp quân, dân y, chú trọng hỗ trợ y tế ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn ngành Y tế luôn thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và 12 điều y đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình chăm sóc người bệnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành địa phương liên quan quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nỗ lực phấn đấu đưa Bệnh viện trở thành trung tâm y học và đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. “Nhiệm vụ của ngành Y tế cũng như Bệnh viện Bạch Mai đặt ra rất nặng nề, nhưng vô cùng vẻ vang,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bệnh viện Bạch Mai, tiền thân là Nhà thương Cống Vọng, được thành lập từ năm 1911 là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, có lịch sử vẻ vang gắn liền với lịch sử nền y học hiện đại Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong suốt chặng đường gần 110 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, từ một bệnh viện lấy trọng tâm là hệ nội, nay đã trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên, trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm đào tạo y học hàng đầu, đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền y học nước nhà.

[10 thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm]

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã cùng với chiến sỹ và nhân dân thành phố Hà Nội kiên cường chiến đấu bảo vệ Thủ đô; hăng hái tình nguyện chi viện phục vụ chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế; không quản gian khổ, hy sinh, cứu chữa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Máu đào và những tấm gương hy sinh anh dũng của các thầy thuốc ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng như Anh hùng Lao động, cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, Anh hùng Lao động Đặng Văn Ngữ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, toàn ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Bạch Mai ngày càng phát triển, nhiều bệnh dịch nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và thế giới được ứng dụng trong khám, chữa bệnh; nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống không phải ra nước ngoài điều trị; nhiều công trình nghiên cứu khoa học về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, khám, chữa bệnh tim mạch, ung bướu, truyền nhiễm, hồi sức, cấp cứu, chống độc, phòng, chống dịch bệnh… đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn.

Không chỉ là địa chỉ tin cậy của người bệnh, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo thực hành cán bộ y tế toàn ngành và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, bệnh viện hai lần vinh dự được Bác Hồ kính yêu đến thăm vào năm 1954 và năm 1960./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục