Chủ tịch MTTQ tiếp đoàn đại biểu phật giáo và kiều bào Thái Lan

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các hòa thượng chủ trì 21 chùa Việt Nam tại Thái Lan chính là biểu tượng gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 27/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp đoàn 50 đại biểu Phật giáo Annam Kiya và kiều bào Thái Lan nhân dịp về thăm Việt Nam.

Theo Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu, Tăng trưởng Phật giáo Annam Kiya tại Thái Lan, trụ trì chùa Phổ Phước, Trưởng đoàn đại biểu, đến nay có khoảng 21 ngôi chùa của người Việt được xây dựng tại 8 tỉnh, thành phố của Thái Lan.

Các chùa của người Việt đều nhận được sự quan tâm, bảo trợ của các đời Vua Thái Lan, được Nhà Vua ban tên và sắc phong sư trụ trì.

Ngoài các hoạt động tâm linh tín ngưỡng, một số chùa còn tạo điều kiện để bà con người Việt mở các lớp học tiếng Việt trong khuôn viên chùa.

Đã có 8/21 chùa được gắn biển tên tiếng Việt, chủ yếu do công đức của bà con Việt kiều.

Đây là việc làm ý nghĩa giúp phật tử và du khách thập phương biết nguồn gốc Việt Nam của các ngôi chùa, cho thấy sự hiện diện, sức sống của văn hóa Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan, nhấn mạnh sự giao thoa giữa hai nền văn hóa, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng toàn diện giữa Việt Nam và Thái Lan.

Đối với cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, các chùa Việt vừa là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo cộng đồng Phật tử người Việt, có vai trò gắn kết cộng đồng, gìn giữ, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tại Thái Lan, vừa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về các nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan ước tính có khoảng 100.000 người, sống rải rác ở các địa phương trong cả nước, song tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc.

Cộng đồng có truyền thống yêu nước, luôn hướng về quê hương đất nước, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng được đón đoàn đại biểu Phật giáo Annam Kiya trở về quê hương; gửi tới các đại biểu Phật giáo lời cảm ơn chân thành nhất đối với những công lao trong việc kế tục, nuôi dưỡng, phát triển truyền thống Phật giáo Việt Nam trong suốt 200 năm qua tại Thái Lan.

Đồng thời, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các hòa thượng chủ trì 21 chùa Việt Nam tại Thái Lan chính là biểu tượng gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Giới thiệu về vị trí, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm là 3 yêu thương (vận động nhân dân yêu Tổ quốc; yêu gia đình, dòng máu; yêu đồng bào trong nước và trên thế giới); 3 giữ gìn (giữ gìn hòa bình; giữ gìn văn hóa dân tộc; giữ gìn môi trường sống); 3 cố gắng (vận động mỗi người cố gắng lao động, làm việc; cố gắng giúp những người nghèo, người khó khăn hơn mình; cố gắng giám sát chính quyền, góp ý để chính quyền hoạt động tốt hơn).

Các hoạt động của Mặt trận đều dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc, đồng thời gắn với văn hóa Phật giáo để góp phần giúp Chính phủ chăm lo cho người dân tốt hơn.

Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn 21 chùa Việt Nam tại Thái Lan đều được mang tên Việt; tin tưởng Phật giáo Annam Kiya tại Thái Lan sẽ ngày càng phát triển; chúc các hòa thượng sức khỏe an lạc, có thêm nhiều sáng kiến nhằm củng cố mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Cùng ngày, đoàn nhà sư trụ trì các chùa Việt Nam và đại diện kiều bào tiêu biểu tại Thái Lan đã thăm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gặp Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam.

Tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhắc lại truyền thống, lịch sử của Phật giáo Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Thái Lan vào đầu Thế kỷ XX.

Hòa thượng cũng điểm lại nhiều hoạt động hữu nghị của Phật giáo hai nước trong thời gian qua như các năm Vesak được tổ chức tại Việt Nam và Thái Lan; giao lưu giữa các đoàn Phật giáo của hai quốc gia.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục