Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tiếp cựu chiến binh tiêu biểu Đoàn 962

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân đã thân mật tiếp 35 đại biểu cựu chiến binh tiêu biểu Đoàn 962 - những người từng sống và chiến đấu trên con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 5/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã thân mật tiếp 35 đại biểu cựu chiến binh tiêu biểu Đoàn 962 - những người từng sống và chiến đấu trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô.

Con đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào trang sử bằng những câu chuyện huyền thoại, là con đường chiến lược song song với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn.

Báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân về quá trình hình thành và kết quả hoạt động, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Đoàn 962 cho biết: Các cụm bến thuộc Đoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập ngày 19/9/1962.

Điểm nổi bật của cụm bến thuộc Đoàn 962 không dừng lại là một bến đón các chuyến tàu vũ khí từ miền Bắc viện trợ cho miền Nam, mà trước đó còn làm nên chiến công tạo ra đường vận tải trên biển, cập bến chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên tại Vàm Lũng, Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.

Bốn bến của Đoàn 962 - thường được ví như "những bến cảng giữa lòng dân," từ ngày xây dựng và hoạt động đều trụ bám được ở địa bàn mặc dù địch tập trung đánh phá ác liệt.

Trong gần 10 năm từ 1962-1971, các bến của Đoàn 962 đều đón được các con tàu “Không Số,” với tổng số 124 chuyến mang theo gần 7.000 tấn vũ khí đạn dược và 189 cán bộ quân sự, chính trị, những nhà khoa học tài giỏi như đồng chí Lê Đức Anh, Bùi Phùng, Nguyễn Trọng Xuyên...

Để bảo vệ các bến, các đơn vị của Đoàn trực tiếp tác chiến 254 trận; diệt 2.800 tên địch, bắn chìm - bắn cháy hàng trăm tàu thuyền, máy bay, xe pháo của địch; cùng với các đơn vị bạn diệt gọn tiểu đoàn bộ binh và 1 chiến đoàn thiết giáp M113 của địch...

Từ các bến của Đoàn 962, vũ khí được chuyển đi khắp chiến trường miền Nam, góp phần củng cố và tăng cường khả năng chủ động đi đến thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Đến nay, Đoàn đã xây dựng nên 5 tập thể​ gồm Đoàn 962, Bến Cà Mau, Bến Bến Tre, Bến Trà Vinh, Bến Bà Rịa được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 8 người được phong và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hơn 100 người được “Huân chương Chiến công.”

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nhân dân và đất nước luôn ghi nhớ sự hy sinh, đóng góp, cống hiến của thế hệ các cán bộ, chiến s​ỹ, thủy đoàn của những đoàn tàu không số.

Với những chuyến tàu vượt biển, Đoàn 962 đã chuyên chở được 7.000 tấn vũ khí, góp phần quan trọng tăng cường thiết bị quân sự, vũ khí cho miền Nam chiến đấu...

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, từ thực tiễn của những chuyến tàu không số, của Đoàn 962, có thể rút ra được những bài học xương máu để làm nên thắng lợi.

Thứ nhất, chủ trương của Đảng là đúng đắn, nhưng những người đi tàu chính là những người triển khai chủ trương đó, bởi họ chưa từng được học, chưa từng có kinh nghiệm vận tải biển...

Nhưng với sự dũng cảm, sáng tạo, chiến đấu, kiên cường, họ đã thành công. Đó là bài học sâu sắc, thực tiễn xương máu cho các thế hệ sau, cho công tác mặt trận. Có định hướng đúng nhưng phải bám sát thực tế, dấn thân để làm, thì sẽ đạt tới thành công.

Thứ hai, đó là bài học lấy dân làm gốc, mới có được sự che chở, chăm sóc, nuôi dưỡng, hy sinh đùm bọc của nhân dân, thể hiện qua việc nhân dân ở Cà Mau đã dời cửa sông vào rừng trong để nhường đất lập bến.

Thứ ba là bài học về sự phối hợp, đồng lòng tác chiến, vì mục tiêu chung. Thực tế, các bến cảng giữa lòng dân và những chuyến tàu không số trên biển như anh em song sinh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhận công lao, sự hy sinh, dấn thân vì Tổ quốc của các thế hệ đi trước.

Việc tri ân những người anh hùng cần làm mạnh hơn, nhanh hơn, bởi, rất nhiều cựu chiến binh tuổi đã cao, sức đã yếu. Với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, Mặt trận Tổ quốc càng thấy trách nhiệm cao cả trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cựu chiến binh ra thăm Thủ đô, thăm lại chiến trường xưa...

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã trao tặng cho các đại biểu bản sao Bằng chứng nhận Anh hùng của tàu 69 thuộc lữ đoàn 125 Hải quân, ghi nhận những đóng góp to lớn của cá nhân từng đồng chí vào thành công của tập thể các con tàu không số huyền thoại năm xưa như một kỷ vật thiêng liêng.

Nhân dịp này, các cựu chiến binh tiêu biểu Đoàn 962 đã vào viếng Lăng Bác, dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ); thăm di tích lịch sử K15 và Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng).

Trước đó, trong lần thăm hỏi ông Nguyễn Hữu Phước (thường gọi là ông Năm Phước, trú tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ) - thuyền trưởng tàu không số, tàu 69 Anh hùng thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân, sau khi trò chuyện cùng ông và các đồng đội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe và tiếp thu nguyện vọng của các cựu chiến binh về việc được ra Hà Nội, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở lại nơi trước đây từng công tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục