Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và sứ mệnh khôi phục niềm tin

Trong 6 tháng ngắn ngủi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Bồ Đào Nha có nhiệm vụ phải tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu Âu.
Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và sứ mệnh khôi phục niềm tin ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Kể từ ngày 1/1/2021, Bồ Đào Nha chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng.

Những gì nước chủ tịch tiền nhiệm Đức đã làm được vừa là tiền đề tốt, song cũng là áp lực không nhỏ đối với Bồ Đào Nha trong sứ mệnh phục hồi nền kinh tế và đưa châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19 hiện nay.

Trong 6 tháng ngắn ngủi, Bồ Đào Nha phải khẳng định nhiệm vụ tối quan trọng là phải tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu Âu, thúc đẩy một liên minh dựa trên các giá trị chung về đoàn kết, hội tụ và gắn kết - một liên minh có khả năng phối hợp hành động để phục hồi sau khủng hoảng.

[Thủ tướng Đức kêu gọi hợp tác và gắn kết trên toàn châu Âu]

Để thực hiện mục tiêu này, Bồ Đào Nha đặt ra ba nhóm ưu tiên chính bao gồm: thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu với đòn bẩy là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi số; thực hiện trụ cột về quyền xã hội của châu Âu và củng cố quyền tự chủ chiến lược của châu Âu.

Nói cách khác, Bồ Đào Nha sẽ theo đuổi 5 mục tiêu, cụ thể là thúc đẩy sự phục hồi, gắn kết và các giá trị của châu Âu (châu Âu phục hồi); đưa châu Âu trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (châu Âu xanh); đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp (châu Âu số hóa); thúc đẩy và củng cố mô hình xã hội châu Âu (châu Âu xã hội) và cuối cùng là tiếp tục tăng cường sự cởi mở của châu Âu với thế giới (châu Âu toàn cầu).

Các nhiệm vụ và mục tiêu trên đều nằm trong chương trình nghị sự của nhóm bộ ba chủ tịch Hội đồng EU kéo dài 18 tháng giữa Đức, Bồ Đào Nha và Slovenia.

Khi Đức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU 6 tháng cuối năm 2020, nhóm bộ 3 chủ tịch đã thảo một chương trình nghị sự kéo dài 18 tháng với những vấn đề cần giải quyết trong các nhiệm kỳ chủ tịch tương ứng, đảm bảo cho quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ giữa 3 nước.

Có thể nói Đức đã chuẩn bị chu đáo từ rất lâu cho nhiệm kỳ của mình. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều kế hoạch thay đổi.

Phần lớn cuộc họp được lên kế hoạch đã không thể diễn ra hoặc diễn ra ở diện hẹp và theo hình thức trực tuyến, trong khi một số nhiệm vụ cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Khi bắt tay vào nhiệm kỳ, Đức đặt 4 nhóm nhiệm vụ ưu tiên giải quyết trong 6 tháng cuối năm 2020, gồm giải quyết hậu quả của đại dịch, tái thiết nền kinh tế; xây dựng khung tài chính của châu Âu; đàm phán về quan hệ tương lai với Anh; cuối cùng là các vấn đề khí hậu, vai trò của châu Âu trên thế giới, kỹ thuật số...

Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và sứ mệnh khôi phục niềm tin ảnh 2Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố Đức đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU ở thời điểm châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử.

Thế nhưng, ngay từ đầu giới quan sát có lý do để tin quốc gia đầu tàu châu Âu sẽ có một nhiệm kỳ thành công và thực tế đã xác nhận điều này.

Trong những ngày tháng cuối năm lạnh lẽo với không khí dịch bệnh bao trùm, EU đã liên tiếp đón nhận những tin vui, từ việc các nhà lãnh đạo 27 nước EU đạt được thỏa thuận về ngân sách tới năm 2027 cùng gói phục hồi kinh tế có tổng trị giá 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế-xã hội do COVID-19, tới việc vắcxin của công ty BioNTech/Pfizer được phê chuẩn và bắt đầu tiêm chủng trên toàn liên minh, một hành động mang tính biểu tượng cao về tình đoàn kết trong châu Âu.

EU cũng đã chính thức ký thỏa thuận thương mại và hợp tác với Anh sau quá trình đàm phán kéo dài 4 năm rưỡi, bên cạnh đó là việc hoàn tất đàm phán với Trung Quốc về hiệp định đầu tư toàn diện song phương sau 7 năm đàm phán.

Đó còn là Thỏa thuận Xanh mà EU đặt mục tiêu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới trung hòa về carbon vào năm 2050. Không thể phủ nhận vai trò nổi bật của Đức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU với những kết quả đạt được nêu trên.

Trong vấn đề ngân sách EU và quỹ phục hồi kinh tế trị giá trên 750 tỷ euro, người ta càng thấy rõ khả năng dẫn dắt, đàm phán, thuyết phục và thỏa hiệp của nữ Thủ tướng 66 tuổi Angela Merkel, người đã chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong hơn 15 năm qua.

Hầu như các mục tiêu lớn đặt ra đều đã được nước Chủ tịch Hội đồng EU giải quyết một cách rốt ráo trong nhiệm kỳ 6 tháng qua.

Có thể nói nhiệm kỳ của Đức là nhiệm kỳ chống COVID-19 và do vậy các nhiệm vụ và mục tiêu đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới đại dịch này.

Thời điểm Đức bước vào nhiệm kỳ, khó ai có thể hình dung chỉ trong 6 tháng EU có thể giải quyết được một loạt "hồ sơ nóng" như vậy.

Những "công trường lớn" đều được giải phóng và sự thực là Đức kết thúc nhiệm kỳ với việc góp phần mang lại một châu Âu một tương lai đầy triển vọng phía trước.

Tất nhiên không phải tất cả mọi vấn đề đều đã được giải quyết (như việc chưa thể có chính sách chung về tị nạn; còn sự chia rẽ nội bộ; quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga,...), song với những gì đã làm được, có thể nói Đức đã có một nhiệm kỳ thành công.

Điều đó đã phần nào thúc đẩy lòng tin của người dân vào khả năng EU phối hợp hành động và đoàn kết cùng vượt qua thách thức.

Như tuyên bố của Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, với vai trò điều phối của Đức, EU đã phối hợp mua vaccine và phân phối cho mọi quốc gia thành viên cũng như nhất trí các biện pháp để khắc phục những hậu quả về kinh tế  và xã hội do đại dịch gây ra, qua đó cho người dân thấy rằng EU là một liên minh gắn bó với người dân và có thể đáp ứng được những kỳ vọng của họ.

Khi Bồ Đào Nha đảm nhận vai trò chủ tịch EU trong nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2021, đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế châu lục vẫn phải là ưu tiên số 1.

Bên cạnh đó là việc hiện thực hóa các thỏa thuận vừa đạt được, đặc biệt là thúc đẩy để Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Anh hậu Brexit, thúc đẩy việc ký kết hiệp định đầu tư với Trung Quốc...

Đó là những nhiệm vụ nặng nề, song cũng là mục tiêu Bồ Đào Nha đặt ra trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU, nhằm thực hiện "sứ mệnh" khôi phục niềm tin của người dân vào mô hình gắn kết của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục