Chủ tịch Lagarde: Cuộc chiến chống lạm phát của ECB chưa có hồi kết

Lạm phát toàn cầu đã giảm tốc trong tháng 5/2023, song Chủ tịch ECB một lần nữa khẳng định trước các nghị sỹ châu Âu rằng không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh điểm.
Chủ tịch Lagarde: Cuộc chiến chống lạm phát của ECB chưa có hồi kết ảnh 1Chủ tịch ECB Christine Lagarde một lần nữa khẳng định không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã đạt đỉnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo Les Echos mới đây nhận định Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát cao.

Như dự đoán của thị trường, ngày 15/6, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Theo đó, lãi suất tiền gửi tăng lên 3,5%, lãi suất cơ bản lên 4% và lãi suất cho vay qua đêm lên 4,25%. Lãi suất tiền gửi hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2001.

Quyết định này đã được tất cả các thành viên của Hội đồng Thống đốc ủng hộ, bao gồm cả những người theo quan điểm ôn hòa nhất.

Áp lực lạm phát

Lạm phát toàn cầu đã giảm tốc trong tháng 5/2023, song Chủ tịch ECB Christine Lagarde một lần nữa khẳng định trước các nghị sỹ châu Âu rằng không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và lương thực) đã lên đến đỉnh điểm. Bà bày tỏ lo ngại đặc biệt về áp lực lạm phát do tăng lương.

ECB cũng đã công bố các dự báo kinh tế mới của mình. Nhìn chung, các dự báo của tháng 3/2023 đều được khẳng định, nhưng dự báo lạm phát cơ bản cho các năm 2023 và 2024 đã được điều chỉnh tăng lên.

Những chỉ số liên quan đến tăng trưởng của châu Âu đã bị hạ thấp, đặc biệt là do khu vực đồng euro đã bước vào một cuộc suy thoái nhẹ.

Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ, cũng như việc thu hẹp hoạt động cho vay của các ngân hàng trong khu vực đồng euro, đang bắt đầu phát huy tác dụng. Điều này không ngoài chủ trương của ECB.

Sẽ còn một hoặc hai lần tăng lãi suất

Vào ngày 14/6, sau 10 lần thắt chặt lãi suất liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng nếu cần thiết. Về phía Frankfurt, ECB vẫn kiên định với chủ trương của mình.

Trong các cuộc họp gần đây, bà Lagarde thường nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn dài và các quyết định đưa ra sẽ dựa trên các dữ liệu phân tích.

[ECB quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm]

Ngày càng có nhiều cuộc tranh luận diễn ra trong những tuần gần đây. Mặc dù có vẻ như ECB không còn cách xa mức lãi suất cuối cùng mà tại đó ngân hàng sẽ ngừng tăng, nhưng nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra về tính khả thi của việc tiếp tục tăng một hay hai lần nữa.

Trước khi có thể có một bước ngoặt vào tháng 9/2023, có khả năng việc tăng lãi suất sẽ được thực hiện vào tháng 7/2023.

Bà Christine Lagarde nhấn mạnh trừ khi có một sự thay đổi đáng kể trong kịch bản, rất có thể ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7/2023.

Chủ tịch Lagarde: Cuộc chiến chống lạm phát của ECB chưa có hồi kết ảnh 2Ngày 15/6, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương tăng lãi suất đang thúc đẩy tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc ECB nâng dự báo lạm phát, cùng với quyết tâm đảm bảo đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2% trong trung hạn càng sớm càng tốt đã cho thấy khả năng tăng lãi suất được bỏ ngỏ.

Carsten Brzeski tại ING cho hay ECB muốn và cần chắc chắn rằng mình đã kiểm soát được lạm phát trước khi xem xét thay đổi chính sách.

Kết thúc tái đầu tư

ECB cũng đã xác nhận việc chấm dứt hoàn toàn việc tái đầu tư theo chương trình mua tài sản (APP).

Điều đó có nghĩa là, ECB sẽ để cho các trái phiếu trong danh mục đầu tư của mình đáo hạn mà không mua lại các chứng khoán khác với số tiền thu được từ các khoản hoàn trả này. ECB đã giảm 15 tỷ euro can thiệp hàng tháng vào thị trường tái đầu tư của APP. Rút thanh khoản hiện nay đã đạt 30 tỷ mỗi tháng.

Mục tiêu của ECB là giảm bảng cân đối kế toán của mình, hiện đã đạt gần 9.000 tỷ euro do đổ tiền vào các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài việc tạm dừng mua trái phiếu, việc mua lại các khoản vay lớn hoặc cấp vốn dài hạn (TLTRO) sẽ có tác động lớn nhất đến việc giảm bảng cân đối kế toán.

Trên thực tế, các ngân hàng sẽ hoàn trả hơn 500 tỷ euro cho các khoản vay dài hạn này với mức lãi suất rất hấp dẫn vào ngày 30/6.

ECB không có kế hoạch tiếp tục các TLTRO này, cũng như không đề xuất bất kỳ nguồn tài chính đặc biệt mới nào. Điều này có thể gây ra vấn đề đối với một số ngân hàng nhỏ, đặc biệt là ở Nam Âu.

Tuy nhiên, ECB khẳng định sẽ giám sát tác động của việc kết thúc các khoản vay này đối với chính sách tiền tệ của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục