Chủ tịch IFAD đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam

Chủ tịch IFAD đã bày tỏ khâm phục trước những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua; đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ trình Thư ủy nhiệm đến Chủ tịch IFAD Gilbert Fossoun Houngbo. (Ảnh: Huy Thông/Vietnam+)

Ngày 12/3, tại thủ đô Rome của Italy, Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam tại Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) Nguyễn Thị Bích Huệ đã trình Thư ủy nhiệm đến Chủ tịch IFAD Gilbert Fossoun Houngbo. 

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Italy, trong cuộc trao đổi sau Lễ trình Thư ủy nhiệm, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đã cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ hiệu quả của IFAD trong suốt nhiều năm qua; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng tăng cường hợp tác và nỗ lực đóng góp vào các hoạt động chung của IFAD trên cơ sở phù hợp với năng lực và điều kiện của đất nước.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cũng chia sẻ dù đã chính thức “tốt nghiệp” tài trợ ODA của IFAD từ đầu năm 2018, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến năng suất sản xuất của nhiều hộ nông dân trong khi khả năng tiếp cận vốn tín dụng của họ còn nhiều hạn chế.

[Việt Nam có hệ thống phân phối tín dụng vi mô lớn nhất thế giới]

Đại sứ đã đề nghị IFAD hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này, tạo điều kiện để nước ta tiếp tục được vay vốn ưu đãi trong thời gian tới, đồng thời tăng cường mở rộng các dự án hợp tác của IFAD trên khắp các tỉnh, thành của đất nước. 

Về phần mình, Chủ tịch IFAD đã bày tỏ khâm phục trước những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua.

Ông đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, cho rằng điều này đã góp phần bảo đảm hiệu quả các dự án mà IFAD triển khai trong nước cũng như tại khu vực, bao gồm việc nâng cấp Văn phòng đại diện quốc gia của IFAD tại Hà Nội thành Trung tâm điều phối IFAD ở khu vực Mekong (Mekong Hub), thể hiện sự quan tâm và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo của cộng đồng quốc tế.

Ông Gilbert F. Houngbo cho biết IFAD đang tích cực tìm kiếm giải pháp để tạo điều kiện cho những nước “tốt nghiệp” ODA trước năm 2019, qua đó giúp những nước này được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của IFAD trong khoảng thời gian nhất định.

Chủ tịch IFAD cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều đóng góp và hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động của IFAD trong thời gian tới; hoan nghênh đề xuất của Việt Nam tham gia vào hợp tác Nam-Nam và chúc Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ, trên cương vị mới, sẽ hoàn thành tốt vai trò để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và IFAD.

IFAD là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có trụ sở đóng tại Rome. Khởi đầu ý tưởng thành lập IFAD được nêu ra tại Hội nghị Lương thực thế giới năm 1974.

Ngày 13/6/1976, Hiệp định về thành lập Quỹ được thông qua, tiếp đó tới ngày 20/12/1976 được ký chính thức và có hiệu lực từ ngày 30/11/1977.

IFAD hiện có 176 thành viên, gồm những nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và những nước đang phát triển. Việt Nam là thành viên IFAD từ năm 1997./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục