Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã thành công tốt đẹp.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về thành công của Đại hội cũng như những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội thời gian tới.
- Xin bà điểm lại những thành công mà Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII đã đạt được?
Bà Hà Thị Nga: Đến giờ này, chúng tôi có thể khẳng định Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành các công việc đã đề ra. Đây là một kỳ Đại hội chưa từng có trong tiền lệ do tổ chức trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, nhưng các đại biểu về tham dự rất đông đủ với 959/1.000 đại biểu chính thức cho thấy sự cố gắng rất lớn của các cấp Hội.
Một trong những thành công của Đại hội lần này chính là 5 trung tâm thảo luận với 5 chủ đề khác nhau liên quan đến phụ nữ đã được nhiều đại biểu hết sức quan tâm với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Thời gian diễn ra Đại hội lần này đã được rút gọn xuống còn 2,5 ngày, nhưng tất cả các nội dung đã nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến rất lớn của các đại biểu.
Các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội được 100% đại biểu biểu quyết thông qua, thống nhất với các nhiệm vụ, mục tiêu mà nhiệm kỳ 2022-2027 đã xác định.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi về việc làm, thu nhập, nhất là những tác động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với tổ chức Hội.
Đại hội đã thông qua nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2022-2027. Đây cũng chính là những hoạt động thiết thực giúp hội viên, phụ nữ vượt qua rào cản, tận dụng cơ hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò vị trí của mình, góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển đất nước.
Nhiệm kỳ tới, Hội xác định lấy chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.
- Nhiệm kỳ tới, Trung ương Hội sẽ hỗ trợ những gì để phụ nữ có thêm nhiều cơ hội phát triển, thưa bà?
Bà Hà Thị Nga: Nhiệm kỳ tới, Hội xác định một trong hai khâu đột phá là tập trung nguồn lực thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Đề án chuyển đổi số Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 và Chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện thí điểm một số mô hình/hoạt động mới như: các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng Internet; phát hành Thẻ hội viên thông minh. Ngoài ra, Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030."
[5 điểm nhấn thành công của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc]
Về phía bản thân mình, mỗi phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.
Đặc biệt, đối với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, phụ nữ khởi sự kinh doanh, việc nắm vững các kiến thức pháp luật, các chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và phụ nữ càng phải là ưu tiên hàng đầu, để tranh thủ những nguồn lực tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, của bản thân.
Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ cần nắm bắt cơ hội, tự tin, tự cường vươn lên, phát huy sáng tạo và năng lực tiềm tàng của bản thân, bắt kịp cùng những biến chuyển của thời đại.
- Xin bà cho biết thời gian tới, các cấp Hội làm thế nào để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nói chung và Đại hội Phụ nữ các cấp nói riêng vào triển khai có hiệu quả?
Bà Hà Thị Nga: Ngay sau Đại hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, để mỗi cán bộ, hội viên hiểu được quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp hết sức quan trọng để chủ động thực hiện công việc của mình tại địa phương, đơn vị.
Các cấp Hội, nhất là cấp Trung ương phải tăng cường bám, nắm cơ sở để kịp thời định hướng, hỗ trợ cho cơ sở triển khai các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra.
Bên cạnh đó, các cấp Hội rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các tổ chức trong nước và quốc tế để có thêm nhiều sự ủng hộ, nguồn lực, để Hội có thể thực hiện khối lượng công việc lớn đã được xác định trong Đại hội.
Các cấp Hội cần ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hội thảo/tập huấn, truyền thông triển khai Nghị quyết Đại hội với các nội dung cụ thể trong thời gian ngắn nhất và tới nhiều người nhất. Đồng thời, chúng tôi sẽ ban hành các hướng dẫn chi tiết và các tài liệu chuyên đề theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, để các cấp Hội phụ nữ có thể cụ thể hóa, triển khai dễ dàng đến từng hội viên, phụ nữ.
Việc vận dụng, triển khai Nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi các cấp Hội, các cán bộ Hội, nhất là người đứng đầu phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc.
Triển khai Nghị quyết Đại hội phải thực sự dựa trên đặc điểm, tình hình, nhu cầu… của hội viên, phụ nữ tại từng địa phương, từ đó đưa ra cách thức, nội dung triển khai Nghị quyết phù hợp, hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn bà!