Chủ tịch Hội đồng quân sự Sudan tới Ai Cập, lần đầu công du nước ngoài

Chủ tịch Hội đồng quân sự cầm quyền Sudan đã tới Cairo ngày 25/5, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của viên tướng này kể từ khi lên nắm quyền sau vụ phế truất Tổng thống Omar al-Bashir.
Chủ tịch Hội đồng quân sự Sudan tới Ai Cập, lần đầu công du nước ngoài ảnh 1Tướng Abdel Fattah al-Burhan phát biểu tại cuộc họp ở Khartoum, Sudan, ngày 16/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Một quan chức sân bay Ai Cập cho hay Chủ tịch Hội đồng quân sự cầm quyền Sudan đã tới Cairo ngày 25/5, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của viên tướng này kể từ khi lên nắm quyền sau vụ phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng 4.

Chuyến thăm của Tướng Abdel Fattah al-Burhan tới Ai Cập diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo biểu tình Sudan tuyên bố biểu tình 2 ngày trong bối cảnh các cuộc đàm phán với quân đội về việc thiết lập chính quyền dân sự rơi vào bế tắc.

Phong trào biểu tình hiện bất đồng với các tướng lĩnh về việc quyết định lực lượng nào sẽ lãnh đạo Hội đồng hỗn hợp dân sự-quân sự.

Ai Cập, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi, ủng hộ Hội đồng quân sự Sudan và đã thúc giục các nước châu Phi dành "thêm thời gian" cho để hội đồng này chuyển giao cho chính quyền dân sự.

[Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan muốn sớm chuyển giao quyền lực]

Quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir vào ngày 11/4 vừa qua, sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Tiếp đó, quân đội thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự.

Gần đây, TMC và phe đối lập Liên minh Tự do và Thay đổi đã nhất trí về quyền hạn của Hội đồng hỗn hợp lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp, Hội đồng Bộ trưởng cũng như Hội đồng lập pháp.

Hai bên nhất trí giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài 3 năm, trong đó 6 tháng đầu tiên là khoảng thời gian để thiết lập lại hoà bình trên khắp đất nước.

Hội đồng lập pháp của nước này sẽ bao gồm 300 thành viên, 67% trong số này là các nhân vật thuộc Liên minh Tự do và Thay đổi. Phần còn lại sẽ thuộc các lực lượng chính trị khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất về thành phần trong một hội đồng sẽ nắm quyền lãnh đạo.

TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số trong hội đồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục