Chủ tịch Hậu Giang đối thoại với dân về cho thuê đất nông trường

Từ việc hai doanh nghiệp xin được thuê đất đã nảy sinh nhiều tin đồn cho rằng “chính quyền Hậu Giang bị doanh nghiệp mua chuộc, lấy lại đất nông trường để cho doanh nghiệp thuê.”

Thời gian qua, tại Hậu Giang có hai doanh nghiệp đề nghị được thuê đất nông trường của Huyện ủy và Huyện đoàn huyện Châu Thành A để làm đất sản xuất lúa giống và thực hiện dự án nông nghiệp.

Tuy nhiên, đất nông trường này được 37 hộ dân thuê khoán làm đất sản xuất từ năm 1987 đến nay và đã làm nhà kiên cố, bán kiên cố trên đất này.

Từ việc hai doanh nghiệp xin được thuê đất đã nảy sinh nhiều tin đồn cho rằng “chính quyền Hậu Giang bị doanh nghiệp mua chuộc, lấy lại đất nông trường để cho doanh nghiệp thuê.”

Trong khi đó doanh nghiệp chưa được giao đất nhưng đã đến tận nơi đo đạc và thông báo đã trúng thầu thuê đất gây xôn xao dư luận và khiến người dân bức xúc, một số hộ gia đình đã khiếu nại lên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.

Trước tình hình này, ngày 10/10, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A), Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện Châu Thành A đã có buổi làm việc và đối thoại chính thức với người dân, nhất là với 37 hộ đang sản xuất tại nông trường nhằm nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân trực tiếp thuê đất để các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp đúng quy định pháp luật và không làm xáo trộn đời sống người dân.

Đất nông trường huyện Châu Thành A có bốn khu với tổng diện tích trên 170ha, trong đó đất nông trường Huyện ủy và Huyện đoàn đang cho 37 hộ dân thuê để làm sản xuất, hai khu đất nông trường của Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện do hai đơn vị này tự quản lý.

Việc cho thuê đất nông trường cho 37 hộ dân làm đất sản xuất đem lại nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách huyện.

Đa số các hộ dân thuê đất tại nông trường là gia đình chính sách đã trực tiếp thuê đất thâm canh từ lâu, đã xây nhà kiên cố và bán kiên cố (31 căn) tại đất nông trường.

Hai doanh nghiệp xin thuê đất nông trường và các khu khác là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy sản Hoàng Long và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giống, vật tư nông nghiệp Hậu Giang với diện tích muốn thuê gần 300ha, trong đó Công ty Hoàng Long thuê đất với mục đích sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận chất lượng cao nhằm cung cấp cho các hợp tác xã để sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu, còn Công ty giống, vật tư nông nghiệp Hậu Giang thuê đất nhằm thực hiện dự án “Khảo nghiệm, trình diễn, lai tạo và sản xuất lúa giống nguyên chủng, xác nhận chất lượng cao phù hợp cho vùng đất Hậu Giang.”

Theo ý kiến người dân địa phương, đất nông trường này trước đây sản xuất không hiệu quả dẫn đến nợ ngân hàng nên chính quyền đã cho người dân thuê để có nguồn trả nợ. Đất này là đất lung bào ngập nước khó sản xuất, người dân sau khi thuê đã cải tạo đất, làm thủy lợi để sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình đã vay nợ để đầu tư cải tạo, làm thủy lợi, mong muốn được sản xuất lâu dài để trả nợ.

Tuy nhiên gần đây người của công ty muốn thuê đất chở cán bộ tỉnh vào xem xét đất, cho người vào đo đạc đất để đào mương, tự ý thông báo với các hộ dân rằng đã trúng thầu thuê đất. Từ những thông tin đồn thổi và việc làm của công ty muốn thuê đất đã khiến nhiều hộ gia đình lo lắng, bức xúc và đã khiếu nại...

Tại buổi đối thoại, 37 hộ dân bày tỏ bức xúc về việc chính quyền muốn cho doanh nghiệp thuê đất nông trường cũng như hành động tự ý của doanh nghiệp, các hộ dân đều thống nhất nguyện vọng muốn tiếp tục ký hợp đồng sản xuất, không muốn vào khu dân cư tập trung và không đồng ý cho doanh nghiệp vào đất nông trường.

Nông dân Bùi Văn Đức bày tỏ: "Gia đình tôi trên 20 năm sinh sống tại đất này, trước giờ thì ký hợp đồng với huyện, nay thêm doanh nghiệp nữa thì như "một cổ hai tròng," người dân khó mà làm ăn, sinh sống. Đề nghị chính quyền xây dựng đê bao khép kín để người dân tự sản xuất, không muốn thông qua hợp đồng với doanh nghiệp nào. Nếu như chính quyền lấy lại đất và hỗ trợ tiền thì tiền đó chỉ đủ để trả nợ chứ người dân không có tiền để mua đất ở, đất canh tác hay thực hiện mô hình sản xuất nào."

Ông Lê Văn Thắng thì chia sẻ: "Khi nghe tin có lệnh thu hồi đất cấp cho doanh nghiệp, cả nhà tôi ăn ngủ không yên vì nếu chính quyền thu hồi đất này thì gia đình không còn nơi nào để ở và không biết làm gì để kiếm sống, gia đình có một nguyện vọng là tiếp tục ký hợp đồng sản xuất."

Hộ ông Lê Văn Đẹp cho rằng: "Gia đình tôi về vùng đất này sinh sống 12 năm nay, đất ở gắn liền với đất sản xuất, nếu tập trung người dân vào khu dân cư thì xa đất ở khó làm ăn, sống tập trung lại phức tạp, tụ tập lại dẫn đến ăn nhậu, bài bạc càng làm đời sống khó khăn hơn."

Trong khi đó, lãnh đạo một số ngành chức năng và địa phương cho rằng, doanh nghiệp chưa được giao đất mà đến đo dạc và có những thông tin không chính xác là sai phạm của doanh nghiệp, chính quyền sẽ làm việc và xử lý doanh nghiệp, còn việc doanh nghiệp chở cán bộ vào xem xét đất là chuyện bình thường khi muốn tìm hiểu về đất đầu tư.

Trong một thời gian dài, người dân thuê đất nông trường làm đất sản xuất, nhưng về mặt pháp luật thì đất này vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nếu tiếp tục ký hợp đồng khoán sản xuất với các hộ dân thì sẽ không đạt hiệu quả nông nghiệp và không nâng cao được đời sống người dân.

Việc dân cư sinh sống thưa thớt, thiếu tập trung và không có đủ điều kiện sinh hoạt về điện, nước gây khó khăn cho xã Trường Long Tây trong việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh khẳng định việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nông thôn mới và thực hiện đề án Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh là theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tỉnh nghiêm túc tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của bà con để làm cơ sở thực hiện các chính sách phù hợp, không chỉ riêng đối với 37 hộ dân tại Châu Thành A mà còn đối với nhiều hộ dân đang thuê đất nông trường trong toàn tỉnh Hậu Giang.

Bất kỳ doanh nghiệp nào vào thực hiện sản xuất tại đất nông trường huyện Châu Thành A đều phải có đề án khả thi, ký quỹ theo quy định, phải đầu tư đường xe ôtô đến trung tâm trụ sở, đường xe hai bánh chạy dọc bờ bao để thuận lợi cho vận chuyển nông sản, áp dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đầu tư trạm bơm điện và phải khai thác hiệu quả tiềm năng đất, kể cả đất ruộng, đất mặt nước, đất bờ bao.

Ông Trần Công Chánh cho biết đất nông trường là đất Nhà nước nên không bồi thường đất mà là hỗ trợ thành quả người dân đã san lấp, cải tạo đất trong thời gian qua, xem xét điều kiện sinh sống để bố trí khu dân cư hợp lý và đông đủ.

Hướng giải quyết đối với 37 hộ dân đang thuê đất nông trường, nếu các hộ dân chịu di dời, giao lại đất thì tỉnh áp dụng các chính sách hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất, nếu các hộ dân không di dời và muốn tiếp tục ký hợp đồng nhận khoán để sản xuất thì tỉnh sẻ xem xét lại diện tích, thời gian thuê đất để đề xuất các chính sách đúng quy định.

Dù người dân có tiếp tục ký hợp đồng hay không thì vẫn cần hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất và cải thiện đời sống.

Tỉnh sẽ áp dụng các chính sách phù hợp trên tinh thần không làm xáo trộn đời sống các hộ dân thuê đất, vừa cải thiện đời sống người dân vừa phát huy được hiệu quả của đất nông trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục