Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố ý định từ chức

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho biết sẽ không tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới nếu Quốc hội Anh bỏ phiếu trong ngày 9/9 về việc tổ chức một cuộc bầu cử.
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow (trái) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 9/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/9, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố rằng ông có thể sẽ từ chức.

Ông Bercow cho biết sẽ không tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới nếu Quốc hội Anh bỏ phiếu trong ngày 9/9 về việc tổ chức một cuộc bầu cử. Và nếu các nghị sỹ bác bỏ nỗ lực của chính phủ nhằm kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử, ông Bercow sẽ từ chức vào ngày 31/10.

Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Quốc hội nước này sẽ bắt đầu tạm ngừng hoạt động sau khi kết thúc ngày làm việc 9/9 và kéo dài trong vòng một tháng theo yêu cầu của nhà lãnh đạo Anh.

Người phát ngôn nói quốc hội sẽ tạm ngừng hoạt động từ sau "ngày làm việc hôm nay" và quyết định này có hiệu lực bất chấp kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh về đề xuất của chính phủ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng tới.

[Không tin tưởng vào cam kết về Brexit, một bộ trưởng Anh từ chức]

Tháng trước, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Johnson hoãn phiên họp quốc hội cho đến ngày 14/10.

Theo nhà lãnh đạo Anh, việc này là cần thiết để chính phủ lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước. Tuy nhiên, đề nghị của ông Johnson đã vấp phải sự chỉ trích là nhằm ngăn chặn Quốc hội cản trở Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 là "vi phạm hiến pháp," cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cũng cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.

Tuần trước, Quốc hội Anh đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới bằng cách buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là đến ngày 31/1/2020 - nếu quốc hội hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận vào ngày 19/10. Văn kiện này dự kiến sẽ được Nữ hoàng Anh Elizabeth II ký ban hành thành luật trong ngày 9/9.

Đáp trả lại, Thủ tướng Johnson đã khai trừ 21 nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi những người này không bỏ phiếu ủng hộ Chính phủ Anh trong vấn đề Brexit. Trong số những thành viên bị khai trừ có các nhân vật nổi tiếng như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và nghị sỹ Nicholas Soames, cháu nội của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Gần đây nhất, ngày 7/9 vừa qua, Bộ trưởng Việc làm và hưu trí của Anh Amber Rudd đã từ bỏ các chức vụ trong chính phủ và trong đảng Bảo thủ với lý do bà không tin tưởng vào những cam kết của Thủ tướng Johnson trong việc đạt được một thỏa thuận với EU về vấn đề Brexit. Bà cũng phản đối việc Thủ tướng Johnson khai trừ các nghị sỹ đảng Bảo thủ, cho rằng hành động khai trừ nói trên là một cuộc tấn công nhằm vào "nền dân chủ và sự chuẩn mực"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục