Ngày 13/11, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tái khẳng định quan điểm rằng nới lỏng tiền tệ thêm nữa là không cần thiết, trừ phi có các diễn biến mới liên quan đến thương mại và các vấn đề khác có thể làm thay đổi triển vọng kinh tế.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Powel cho biết các đợt cắt giảm lãi suất của FED từ tháng 7-10 vừa qua đã tạo ra "sự đảm bảo" trước các nguy cơ hiện hữu.
Ông cũng tái khẳng định rằng FED sẽ tiếp tục theo dõi các tác động của các hành động chính sách, đồng thời cam kết "ứng phó thích hợp" nếu các diễn biến mới nảy sinh có thể dẫn tới việc đánh giá lại triển vọng kinh tế. Ông cho biết: "Chính sách không phải là một lộ trình được thiết lập từ trước."
Cuối tháng 10 sau cuộc họp thiết lập chính sách của Ủy ban Thị trường mở liên bang của FED, ông Powell cũng đã bóng gió về việc ngừng các biện pháp kích thích kinh tế.
Ông cho biết, nhìn về tương lai, ông thấy sự gia tăng liên tục của các hoạt động kinh tế, một thị trường lao động mạnh mẽ, và lạm phát nhiều khả năng gần đạt ngưỡng 2% mà FED đặt ra. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng "nhiều nguy cơ đáng kể" vẫn còn, như tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và tranh cãi thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung.
[ Vì sao Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hạ lãi suất? ]
Tháng 10 vừa qua, FED đã cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong 1 năm qua, trong bối cảnh những bất trắc liên quan đến tranh cãi thương mại Mỹ-Trung. Trong hơn 1 thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008, FED luôn giữ lãi suất ở "mức tượng trưng" 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua khó khăn.
Trong một diễn biến liên quan, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cơ sở để tính lạm phát, trong tháng 10 đã tăng 0,4% so với tháng Chín, cao hơn mọi dự báo của giới chuyên gia và là mức tăng mạnh nhất từ tháng Ba.
So với tháng 10/2018, lạm phát ở Mỹ đã tăng 1,8%./.