Chủ tịch ECB phản đối các quy định ngân sách mới

Chủ tịch ECB không tán thành tất cả các quy định ngân sách mới được đề xuất liên quan đến khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Một phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet không tán thành tất cả các quy định ngân sách mới được đề xuất liên quan đến khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo các quy định mới được đề xuất việc trừng phạt các quốc gia chi tiêu quá mức được trao cho các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) vốn không muốn áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.

Kế hoạch dự thảo nói trên, do lực lượng "đặc nhiệm" gồm các bộ trưởng tài chính EU, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và ông Trichet cùng soạn thảo, vừa được công bố ngày 21/10.

Điều quan trọng là kế hoạch này gồm cả một tuyên bố phủ nhận việc cho rằng ông Trichet "không tán thành tất cả các điều khoản" của gói các đề xuất quản lý kinh tế này. Tuy nhiên, người phát ngôn của ECB không tiết lộ những điều khoản không được Chủ tịch ECB tán thành.

Những người đứng đầu các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận những quy định mới được đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh của khối vào tuần tới. Sau đó, những đề xuất này còn phải chờ được Nghị viện châu Âu thông qua.

Các đề xuất trên là một phần trong nỗ lực của EU nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng nợ công như từng xảy ra với Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha.

Các nguyên tắc mới quy định những biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia vi phạm mức trần 3% thâm hụt ngân sách, hoặc mức nợ công vượt 60% GDP. Nhưng trước khi Ủy ban châu Âu (EC) có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt, các nước Eurozone phải tiến hành cuộc bỏ phiếu và trong cuộc bỏ phiếu đó đại đa số các chính phủ tham gia cần phải "phán xét" một thành viên nào đó có vi phạm hay không. Đây được coi là một điều kiện tạo cho các chính phủ quyền lực lớn tới mức có thể tác động tới sự điều hành của EC.

Trong khi đó, EC cho biết họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực thi quy chế phạt tự động đối với các quốc gia chi tiêu quá mức. Như vậy, trên thực tế các chính phủ sẽ có ít quyền lực hơn để ngăn cản việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Mức trần thâm hụt công của khu vực Eurozone đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng tình trạng vi phạm tiếp tục lặp đi lặp lại mà không bị trừng phạt. Một số quốc gia thành viên EU, trong đó có Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan và Đức, từng thúc đẩy việc trao thêm quyền lực cho EC để trừng phạt những chính phủ chi tiêu "quá tay"./.

Thái Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục