Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh truyền hình Euronews TV, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho hay ông không thấy có khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga trong tương lai gần, tuy nhiên, ông thừa nhận nếu không có Nga, sẽ không có cấu trúc an ninh nào ở châu Âu.
Ông Juncker nói: "Cho đến nay, tôi chưa thấy bất kỳ một ý kiến nào cho rằng cần dỡ bở ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Nga. Tôi muốn có một thỏa thuận với Nga vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, dựa trên quan điểm rằng nếu không có nước này, sẽ không có kiến trúc an ninh nào ở châu Âu."
Theo ông, cần phải coi Nga là một thực thể lớn, một quốc gia kiêu hãnh.
Ông muốn đối thoại với Nga trên cơ sở bình đẳng, nhấn mạnh nước này không phải chỉ là một cường quốc khu vực như Tổng thống Mỹ Obama từng nói, cho rằng đó là một sự đánh giá sai lầm lớn.
Một bài viết gần đây trên tạp chí Time cũng nhận định chuyến thăm châu Âu lần cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị tổng thống Mỹ đã chứng tỏ rằng ở cả Washington lẫn các quốc gia châu Âu có sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề quan hệ với Nga.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, truyền thông phương Tây viết rằng ông Obama đã "chuyển cây gậy tiếp sức" trong việc giải quyết quan hệ với Nga cho Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tuy nhiên, trong thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều khi nước Đức không có ảnh hưởng lớn như Mỹ để có thể thống nhất phương Tây, đặc biệt sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời châu Âu (Brexit).
Kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, châu Âu đang ở trong "chế độ sống mòn." Suốt ba năm cuối, chính sách của châu Âu đối với Nga gần như hoàn toàn rập theo khuôn khổ hợp tác giữa bà Merkel với Tổng thống Obama và Vương quốc Anh.
Bài viết có đoạn : "Nhưng với việc Vương quốc Anh rút khỏi liên minh châu Âu, ông Obama rời khỏi Nhà Trắng, bà Merkel sẽ phải thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để giữ cho các đồng minh đang dao động duy trì chính sách cũ."
Bài viết kết luận, mặc dù trong cuộc họp tại Berlin, các nước châu Âu "nhất trí" tuyên bố tiếp tục chính sách trừng phạt Nga, nhưng nhiều quốc gia thành viên EU không đồng ý với điều này. Đặc biệt là Hy Lạp, Italy, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Cyprus nhiều lần tuyên bố cần phải giảm bớt các biện pháp trừng phạt, vì điều đó chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu chứ không làm thay đổi chính sách của nước Nga./.