Chủ tịch Cuba khẳng định sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel nhấn mạnh "bất chấp sự bao vây phong tỏa của Mỹ, cách mạng Cuba vẫn sống động và mạnh mẽ, trung thành với đường lối cách mạng."
Chủ tịch Cuba khẳng định sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Diaz-Canel. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu ngày 26/9 tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel tuyên bố việc ông được bầu vào cương vị này đánh dấu một sự chuyển giao thế hệ, song ông sẽ tiếp tục sự nghiệp mà lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã bắt đầu.

Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định thay đổi thế hệ trong Chính phủ Cuba "là sự tiếp nối, không phải là cắt đứt."

Ông Diaz-Canel nhấn mạnh "bất chấp sự bao vây phong tỏa của Mỹ, cách mạng Cuba vẫn sống động và mạnh mẽ, trung thành với đường lối cách mạng."

Theo ông Diaz-Canel, việc đe dọa và sử dụng vũ lực, hành động đơn phương, gây sức ép, trả đũa và trừng phạt "là những cách hành xử thường xuyên của chính quyền Mỹ." Tuy nhiên, ông Diaz-Canel nhấn mạnh Cuba vẫn mở cửa đối thoại với Mỹ với điều kiện ở vị trí ngang bằng.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Diaz-Canel đến Liên hợp quốc và Mỹ, và cũng là lần đầu tiên ông xuất hiện tại diễn đàn quốc tế kể từ khi tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba từ người tiền nhiệm Raul Castro hồi tháng Tư vừa qua.

[Cuba khẳng định tầm quan trọng của cuộc chiến chống đói nghèo]

Sau khi nhậm chức, Chủ tịch Diaz-Canel đã đánh giá mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ giảm sút dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông chỉ trích các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba, cho rằng đây là "trở ngại chính" đối với sự phát triển của quốc đảo Caribe này.

Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định La Habana vẫn duy trì các kênh đối thoại và kiên định lập trường không phản đối khả năng đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng đối thoại phải dựa trên nguyên tắc công bằng.

Quan hệ giữa Mỹ và Cuba rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định thay đổi các chính sách cải thiện quan hệ với La Habana của chính phủ tiền nhiệm.

Căng thẳng gia tăng khi Washington cáo buộc La Habana tiến hành "các cuộc tấn công bằng sóng âm" nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba. Mỹ đã đơn phương cắt giảm 60% số nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và trục xuất với tỷ lệ tương ứng các nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Cuba tại Mỹ.

Cuba đã khẳng định không có bằng chứng về cái gọi là "vụ tấn công sóng âm" nói trên đồng thời tuyên bố La Habana sẵn sàng hợp tác với Washington để làm rõ sự việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục