Thách thức toàn cầu về năng lượng và chống biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp từ các bên liên quan, sự thống nhất và đoàn kết trong hành động.
Đó là khẳng định được ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) - đưa ra diễn đàn năng lượng toàn cầu CERAWeek do S&P Global tổ chức tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ), ngày 6/3.
Ông Al Jaber nêu rõ đến năm 2030, sẽ có thêm 500 triệu người sống trên Trái Đất, khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên mỗi năm.
Trong khi đó, thế giới cần cắt giảm 7% lượng khí thải mỗi năm, tương đương với mức giảm 43% trong gần bảy năm, để giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.
Thế giới đã đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong năm ngoái, song Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thế giới cần gấp ba lần số tiền này.
Vì vậy, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần có nhiều đóng góp tài chính hơn.
Ông Al Jaber cũng lưu ý rằng chỉ có 15% khoản đầu tư công nghệ sạch đến được với các nền kinh tế đang phát triển, nơi 80% dân số toàn cầu sinh sống.
Đây cũng là lý do cần nghiêm túc xem xét cải cách cơ bản đối với các thể chế tài chính quốc tế và ngân hàng đa phương nhằm tăng cường ưu đãi tài chính, giảm rủi ro và thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn.
[Chủ tịch COP 28 kêu gọi điều chỉnh hành động nhằm ngăn toàn cầu ấm lên]
Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) vào cuối năm nay. COP28 dự kiến sẽ cung cấp bản đánh giá toàn diện về tiến độ đạt được liên quan các mục tiêu khí hậu trên cơ sở Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, từ đó phản ánh việc thế giới đang đi chệch hướng và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hành động.
Vấn đề giảm thiểu, thích ứng, tổn thất và thiệt hại, tài chính khí hậu và đổi mới quy trình được kỳ vọng sẽ là những mối ưu tiên chính tại COP28 - theo ông Al Jaber.
Ông Al Jaber một lần nữa khẳng định cần phải có những hành động thực tế để hiện thực hóa các hiệp ước, đưa ra những giải pháp trong và ngoài các cuộc đàm phán chính thức.
COP28 sẽ là một kỳ hội nghị có sự tham gia của nhiều bên liên quan, nêu bật trách nhiệm giải trình cho các cam kết và đưa ra những giải pháp khả thi - ông khẳng định.
Chủ tịch COP28 kêu gọi các nước đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 sớm hơn, đồng thời mở rộng quy mô các biện pháp hiệu quả nhất để đạt mức phát thải ròng khí methane bằng 0 vào năm 2030.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) 2023 ở Dubai hồi giữa tháng trước, ông Al Jaber cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc điều chỉnh hành động.
Tại hội nghị này, ông cho rằng thế giới cần có sự điều chỉnh theo lộ trình nhằm ngăn toàn cầu ấm lên, đồng thời tuyên bố sẽ đề ra một lộ trình sáng tạo và toàn diện cho vấn đề này.
Theo ông, các chính sách cần phải tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng và cùng lúc đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với nguồn vốn đóng vai trò then chốt.
Nguồn vốn sẽ giúp quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động và là nhân tố chính cho một thỏa thuận công bằng về tài chính khí hậu đối với khu vực Nam Bán cầu.
COP27, được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11/2022, đã thông qua thỏa thuận về quỹ bù đắp thiệt hại cho các nước thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đây được xem là bước đột phá cho các nước đang phát triển, song các nhà hoạt động cho rằng quỹ này vẫn đang trống rỗng.
Chủ tịch COP28 tin rằng cần phải có cải cách thực sự đối với các thể chế tài chính quốc tế, các ngân hàng đa phương để tăng cường ngân sách, giảm bớt rủi ro và thu hút thêm tài chính tư nhân cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Các báo cáo gần đây cho biết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tìm kiếm sự hỗ trợ cho một thỏa thuận nhằm giảm dần nhiên liệu hóa thạch trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trong năm nay./.