Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27), đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải và cung cấp công nghệ cũng như nguồn tài chính cần thiết cho các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Shoukry đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp trực tuyến ngày 14/11, gần hai tuần trước khi COP28 khai mạc tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chủ tịch COP27 nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, có tính đến an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững."
COP27: Quỹ "Tổn thất và thiệt hại" là một thành tựu lịch sử
Ông Shoukry cũng lưu ý thêm rằng hợp tác và hợp tác quốc tế là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015 và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Ngoại trưởng Ai Cập đã nêu nhận xét trên khi đồng chủ trì cuộc họp cuối cùng của Nhóm lãnh đạo doanh nghiệp tại COP27.
Nhóm này được thành lập bởi vai trò Chủ tịch COP 27 của Ai Cập với sự cộng tác của tỷ phú Nassef Sawiris - Giám đốc điều hành OCI Global, một công ty kinh doanh hydro, nitơ và năng lượng.
Cơ chế hợp tác này được thành lập với mục đích giúp các bên liên quan khác nhau tham gia vào hành động khí hậu, bao gồm cả khu vực tư nhân, liên lạc với nhau để khám phá các giải pháp khí hậu mang tính khả thi.
Ngoại trưởng Shoukry đã nhấn mạnh những tiến bộ và thành tựu đã đạt được trong thời gian Ai Cập làm Chủ tịch Hội nghị COP27, bao gồm việc đưa ra các thỏa thuận tài chính mới và Quỹ Tổn thất và Thiệt hại.
COP27 cũng kích hoạt Chương trình nghị sự thích ứng Sharm El-Sheikh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới và tăng cường khả năng phục hồi trong các hệ thống thực phẩm, nước, đại dương, thành phố, y tế và cơ sở hạ tầng.
Theo kế hoạch, Hội nghị COP28 sẽ được UAE tổ chức tại Dubai từ ngày 30/11-12/12.
Tại sự kiện này, các nước tham dự sẽ tập trung thảo luận và đánh giá tiến bộ mà các nước đạt được trong cam kết thực hiện mục tiêu đầy tham vọng mà Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015 đề ra.
Hiệp định này giới hạn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.