Ngày 16/3, ông Akinwumi Adesina - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) - đã kêu gọi đảm bảo công bằng trong điều phối vaccine ngừa COVID-19 cho các nước châu Phi.
Trong một tuyên bố, ông Adesina chỉ trích rằng số lượng vaccine ngừa bệnh COVID-19 chuyển đến cho các nước châu Phi hiện rất hạn chế.
Chủ tịch AfDB nêu rõ: “Chúng tôi cần sự đoàn kết toàn cầu và điều phối vaccine một cách công bằng cho châu Phi."
Ông đồng thời nhấn mạnh sự chênh lệch rõ rệt rằng những quốc gia giàu có đang có thừa vaccine để tiêm đầy đủ cho toàn bộ dân số, trong khi các quốc gia châu Phi vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào chương trình điều phối vaccine mang tên COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chỉ được tiếp nhận số lượng vaccine rất ít cho đến thời điểm hiện tại.
[Cảnh báo sự chênh lệch quá lớn về triển khai tiêm vaccine COVID-19]
Chủ tịch AfDB cho biết: “Chúng tôi vẫn còn xa mốc đạt được 60% khả năng miễn dịch cộng đồng và điều đáng buồn là tôi không thấy có triển vọng sẽ đạt được mục tiêu này trong một hoặc hai năm nữa, với tiến độ tiêm chủng như hiện nay. Do đó, chúng ta cần cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của châu Phi. Chương trình COVAX đang được thực hiện rất tốt, nhưng chúng tôi vẫn cần có nhiều vaccine hơn nữa. Chỉ cần đủ số lượng thích hợp. Chúng tôi cần có vaccine càng sớm càng tốt và với giá cả phải chăng."
Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của WHO được đưa ra nhằm đảm bảo những quốc gia kém phát triển hơn cũng được tiếp cận vaccine.
Tuy nhiên, theo số liệu do tổ chức phi chính phủ ONE Campaign (Mỹ) thống kê về nguồn cung đối với 5 loại vaccine đang được sử dụng trên thế giới, gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, Johnson&Johnson và Novavax, các nước giàu trên thế giới đang dự trữ lượng vaccine phòng COVID-19 nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế.
Theo báo cáo công bố cuối tháng trước, cho tới nay, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đang dự trữ trên 3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 2,06 tỷ liều để hoàn thành việc tiêm chủng 2 mũi cho toàn bộ người dân.
Báo cáo cho rằng lượng dự trữ trên chính là nguyên nhân khiến các nước nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn cung trong bối cảnh thế giới đang vật lộn để kiểm soát đại dịch COVID-19./.