“Khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng như tránh bẫy thu nhập trung bình,” Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB,) ông Takehiko Nakao nhấn mạnh tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự Diễn đàn Phát chiển châu Á lần thứ 5.
- Thoát bẫy thu nhập trung bình là một trong những nội dung trao đổi quan trọng trong chương trình nghị sự tại Diễn đàn Phát chiển châu Á lần thứ 5, theo ông Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy quá trình tăng trưởng ổn định đồng thời tránh bẫy thu nhập trung bình?
Ông Takehiko Nakao: Việt Nam rất đáng được ca ngợi vì đã duy trì được sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, đây là hai yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Để củng cố những thành tựu đạt được và khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng như tăng trưởng đồng đều, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách cơ cấu chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quản lý nợ công thông qua mở rộng cơ sở thuế và hợp lý hóa chi tiêu công.
Việt Nam đã từng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới kể từ năm 1990 và vươn lên thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2010.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã giảm sút từ mức trung bình là 7,3% trong giai đoạn 2000-2007 xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2008-2013, do tốc độ cải cách cơ cấu diễn ra chậm chạp bên cạnh đó là sự ảnh hưởng từ những bất ổn toàn cầu.
Theo tôi, khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư được tăng cường từ việc hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hàng loạt các hiệp định tự do thương mại.
Cụ thể, Chính phủ cần thực hiện một cách có hiệu quả những luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
- Sau khi triển khai thực hiện những khuyến nghị từ “Đánh giá giữa kỳ Chiến lược 2020” nhằm phù hợp với điều kiện mới, ADB có những thay đổi như thế nào trong hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam?
Ông Takehiko Nakao: Đánh giá giữa kỳ Chiến lược 2020 là kết quả cuối cùng của một quá trình kéo dài, nhằm chuẩn bị đáp ứng những thử thách của một châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình.
ADB phải cải thiện thích hợp, nhạy bén trong ứng phó và hiệu quả trong hoạt động của mình. Cụ thể, cải thiện hoạt động của ADB tại thực địa, xây dựng kỹ năng, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng là các nước thành viên đang phát triển.
Tại “Đánh giá giữa kỳ Chiến lược 2020” cho thấy châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với những bất bình đẳng đang gia tăng trong thu nhập, tiếp cận các cơ hội kinh tế và xã hội, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu đe dọa…
Theo đó, ADB đã đưa ra Nghị trình phát triển gồm 8 điểm để kích thích và giữ vững tăng trưởng ở châu Á, đó là ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng phù hợp; phát triển nguồn vốn con người; các thể chế thương mại và đầu tư mở cửa; quản trị tốt; cam kết đối với tăng trưởng đồng đều; chiến lược phát triển quốc gia được tổ chức và chia sẻ tốt; ổn định an ninh và chính trị.
Với Việt Nam, ADB đã cam kết cung cấp 630 triệu USD trong vòng 10 năm để tiến hành tái cơ cấu thử nghiệm một số doanh nghiệp nhà nước lớn được lựa chọn, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của những doanh nghiệp này.
ADB cũng đang hỗ trợ cho những thách thức dài hạn nhằm phát triển một khu vực tài chính trong nước có chiều sâu hơn và đa dạng hơn. Những cải cách này cũng sẽ tạo điều kiện cho pháp triển khu vực tư nhân trong nước, mà quan trọng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, ADB cũng tiếp tục duy trì chương trình cho vay đối với Việt Nam, giá trị khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên, cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị khác, giáo dục và tài chính.
- Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam với mức 5,8% trong năm 2104 và từ 6% trở lên tại năm 2015?
Ông Takehiko Nakao: Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 có thể là dưới 6%, tuy nhiên nó cũng có thể thay đổi. Song, nhìn chung tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện đã mạnh hơn so với thời gian trước.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam khá tốt, đóng góp một phần vào tăng trưởng GDP đồng thời cũng là nền tảng phát triển đất nước. Nhưng chất lượng, hiệu quả và cả yếu tố môi trường mới là vấn đề cốt yếu, nếu Việt Nam không tính các yếu tố tổng thể này thì sẽ gây hại nhiều hơn là những hiệu ứng tích cực.
Do vậy, tôi vẫn đề cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng lao động quan trọng hơn con số định lượng của tăng trưởng./.