Thừa nhận sự vào cuộc của một số doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả còn thiếu tích cực nhưng bà Nguyễn Thị Phi Nga, Luật sư, Công ty Hogan Lovells International LLP cho rằng "tâm trạng của một số chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vẫn thiếu niềm tin vào hiệu quả xử lý của các cơ quan chức năng."
Và minh bạch thông tin trong việc xử lý các hành vi vi phạm là điểm mấu chốt mà vị luật sư này đề cập tới nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với doanh nghiệp, cũng như đấu tranh có hiệu quả với hành vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đây là một trong những ý kiến được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức chiều nay (26/8), tại Hà Nội.
Chia sẻ thêm từ thực tiễn công việc, bà Nga cho rằng, hiệu quả phải đến từ hai phía và bản thân chủ thể quyền cũng mong muốn được thông tin đầy đủ, kịp thời về quá trình xử lý, cũng như chế tài áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm và việc thực thi các quyết định của cơ quan chức năng trong việc xử lý các sai phạm đó.
"Trên thực tế, chủ thể quyền nhận được rất ít thông tin về quá trình xử lý và chế tài áp dụng để xử lý hành vi vi phạm và gần như rất hiếm khi nhận được thông tin về quá trình và kết quả thực thi các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Điều này trên thực tế đã làm xói mòn niềm tin của nhiều chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vào hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ," vị luật sư nêu ý kiến.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng cho rằng, trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, các lực lượng thực thi có lúc, có nơi vẫn để tình trạng "dễ làm khó bỏ."
Thậm chí, một số trường hợp, các cơ quan chức năng còn chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp về tính hiệu quả của việc kiểm tra, xử lý các sai phạm.
Có thể thấy, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn toàn cầu, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân làm ăn chân chính mà còn tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 2.530 vụ liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền phạt là 59,7 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cả năm 2015 (năm 2015 số tiền phạt là 36,13 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với thực tế mà hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra.
Chỉ ra một số bất cập hiện nay, đại diện Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều quy định chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau đã tạo ra những kẽ hở về pháp luật cho hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có cơ hội tồn tại.
Thực tế cho thấy, ngay trong việc giải thích, định nghĩa hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã có sự không thống nhất giữa các văn bản. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi lựa chọn văn bản để áp dụng trong từng vụ việc cụ thể.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp, theo ông không chỉ các cơ quan chức năng mà cả toàn xã hội phải vào cuộc.
Ông Hải nêu rõ, cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, lực lượng Quản lý thị trường, cũng như các lực lượng thực thi khác sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
"Để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức tốt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.