Theo Dự thảo Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng, chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư (bao gồm nhà chung cư có mục đích để ở và nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp) sẽ có từ 3 đến 5 thành viên đứng đồng chủ tài khoản.
Cụ thể, trong số các thành viên đứng đồng tài khoản, có ít nhất 1 đại diện của chủ sở hữu khu căn hộ, 1 đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), 1 đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư, do hội nghị nhà chung cư thông qua.
Theo nguồn tin từ Bộ Xây dựng, việc xây dựng Dự thảo Thông tư này là bởi qua tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019 cho thấy, ở 11 địa phương có tranh chấp liên quan đến công tác quản lý, vận hành chung cư. Trong đó, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có 458 vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc quản lý quỹ bảo trì.
[Vụ thu hồi gần 400 sổ đỏ: Tách bạch quyền sở hữu của người mua nhà]
Một số nguyên nhân dẫn tới tranh chấp, khiếu nại là do cách tính diện tích căn hộ, diện tích chung, riêng trong các văn bản pháp luật chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng. Ngoài ra, quy định các chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp, đầy đủ và thiếu sức nặng so với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế.
Đặc biệt, tranh chấp gay gắt nhất hiện nay chính là sự thiếu minh bạch trong việc thu, chi quỹ bảo trì; chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao, hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị; các bên không thống nhất số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị…
Thực tế, thời gian qua, hình ảnh các băngrôn, khẩu hiệu cùng đoàn người tập trung dưới các tòa nhà hay đi diễu hành vòng quanh chung cư để phản đối chủ đầu tư, ban quản lý... đã trở nên phổ biến, thậm chí đang có xu hướng gia tăng.
Đơn cử như tại Hà Nội, trong số 745 (cụm, tòa) chung cư thương mại thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh có 935 chung cư cao tầng, thì hơn 100 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.
Từ thực trạng đáng lo ngại nêu trên, Dự thảo Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư lần này của Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều đề xuất mới như: Hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong 12 tháng kể từ ngày đưa vào sử dụng, có tối thiểu 50% căn hộ đã được bàn giao. Quy định hiện hành là phải có trên 75% số căn hộ được bàn giao tham dự.
Dự thảo cũng cho phép lấy ý kiến cư dân bằng văn bản nhưng phải có chữ ký của người được lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến người không tham dự hội nghị nhà chung cư.
Trong 7 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định mà không đủ 50% đại diện chủ nhà họp hoặc cho ý kiến bằng văn bản thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Dự thảo Thông tư này cũng quy định việc công nhận Ban quản trị nhà chung cư có thể do cấp phường ra quyết định nếu được Ủy ban Nhân dân cấp quận ủy quyền. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành là chỉ Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện mới được công nhận ban quản trị nhà chung cư.../.