Trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của lực lượng vũ trang Quân khu 5, Trung tá Ngô Minh Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp 699, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng luôn là một gương mặt điển hình với những công trình giàu tính sáng tạo, có giá trị thực tiễn cao và được mọi người gọi bằng một cái tên trìu mến: Chủ nhân của những sáng kiến ngành Tăng-Thiết giáp.
Gắn bó với Tiểu đoàn 699 từ năm 1999, với Trung tá Ngô Minh Hồng, "yêu xe như con, quý xăng như máu" luôn được thể hiện bằng những việc làm thiết thực. Trong quá trình huấn luyện, diễn tập, bảo quản, bảo dưỡng, anh luôn trăn trở tìm cách khắc phục những hỏng hóc, bất cập của xe tăng, thiết giáp.
Anh đã miệt mài tìm tòi nghiền ngẫm qua tài liệu, sách vở, sát cánh cùng đồng đội chế tạo, gia công, thử nghiệm. Nhiều sáng kiến do anh là tác giả và đồng tác giả đã vươn tầm phủ sóng ngoài phạm vi đơn vị như "Chuyển đổi đường chảy nhiên liệu từ thùng đến bơm tay xe PT-76," "Dụng cụ kiểm tra bugi trong điều kiện dã ngoại," "Dụng cụ nạp đạn vào băng đạn súng tiểu liên AK," "Nghiên cứu lắp đặt hệ thống trợ lực tay lái thủy cho xe BTR-152"..
Trò chuyện với chiến sỹ mỗi khi rảnh rỗi, anh thường bảo, chiếc xe như ngôi nhà thứ hai, nên chúng ta phải thông thạo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Chỉ cần nghe tiếng động cơ, mùi xăng dầu là có thể "bắt bệnh" tương đối chính xác. Nếu đã phát hiện những bất cập thì phải nỗ lực hết mình tìm mọi biện pháp khắc phục kịp thời, để đơn vị có lệnh là lên đường được ngay.
Với những lời chỉ bảo, dặn dò rất dung dị ấy, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn của anh đã không ngừng nâng cao trình độ và đã "bắt mạch" được và buộc các các cỗ xe khó tính phải khuất phục để sẵn sàng chờ lệnh là xuất phát.
Thời gian qua, bằng sự tìm tòi học hỏi, sáng tạo Trung tá Ngô Minh Hồng đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài được Hội đồng Khoa học cấp Quân khu đánh giá tốt, tiêu biểu là "Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bánh tì xe tăng-thiết giáp chạy xích."
Đề tài này nảy sinh từ một sự cố trong khi diễn tập, xe thiết giáp M113 bị văng bánh tì số 1 bên trái ra ngoài, với 6 người, trong đó có cả chỉ huy, kíp xe, thợ máy phải vất vả hơn 3 tiếng đồng hồ mới lắp đặt bánh xe trở lại vị trí ban đầu. Từ đó, anh bắt đầu suy nghĩ, tìm tòi, nghiến cứu và sau 2 tháng nghiên cứu, Ngô Minh Hồng đã tìm ra cách tháo và thay xong một bánh tì chỉ với 2 người và trong vòng 20 phút, đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, từ nhiệm vụ tham gia chống gây rối, bạo loạn, trong tình huống các phần tử bị kích động bao vây, bu bám, gây nguy hiểm, không cho xe cơ động... Trung tá Ngô Minh Hồng đã có ý tưởng lắp đặt thiết bị phun chất cay lên xe để giải tán đám đông mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và không gây ô nhiễm môi trường.
Cấu tạo thiết bị gồm máy nén khí (trên xe), bình chức khí nén, bình dưỡng chất cay, hệ thống ống dẫn, vòi phun, các van khóa và chất cay (nước ớt hoặc hơi cay), hoạt động theo nguyên lý chất cay được khí nén đẩy từ bình chứa đến hòa trộn với dòng khí nén rồi phun ra ngoài dưới dạng khí hoặc hơi sương.
Đề tài không chỉ nâng khả năng cơ động, góp phần để xe thiết giáp hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn có ưu điểm nổi bật cấu tạo đơn giản, dễ gia công, thao tác thuận tiện, dễ nhân bản, sản xuất từ vật liệu sẵn có trên thị trường, giá thành thấp.
Hiện, Trung tá Ngô Minh Hồng đang tiếp tục nghiên cứu "Thiết bị phụ vụ theo dõi và báo bia khi bắn đạn thật" nhằm kiểm tra nhanh, chính xác kết quả từng loạt bắn; "Cải tiến mẽ kê xe ôtô bọc thép niêm cất, sẵn sàng chiến đấu," nhằm giảm bớt thao tác khi xuất xe niêm cất và xe sẵn sàng chiến đấu và "Lắp đặt bộ chuyển đổi điện 24 vôn sang 12 vôn trên xe BTR- 152 cải biên"...
Đại tá Nguyễn Minh Lộc, Chủ nhiệm Tăng-Thiết giáp Quân khu 5 nhận xét, sự say mê sáng tạo của Trung tá Ngô Minh Hồng đã góp phần khơi dậy khí thế thi đua giữ tốt, dùng bền, thực hiện tốt cuộc vận động 50, xây dựng Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp 699 xứng danh đơn vị "quả đấm thép" của lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng.../.