Chủ nhà Nga và bài toán "hậu World Cup" đầy thách thức

Nga đang chứng minh là một chủ nhà hoàn hảo khi World Cup 2018 diễn ra đầy hấp dẫn, không sự cố và một bầu không khí tưng bừng, nhưng sau bức tranh đẹp này, bài toán dư âm đặt ra không ít thách thức.
Chủ nhà Nga và bài toán "hậu World Cup" đầy thách thức ảnh 1Cổ động viên theo dõi lễ khai mạc World Cup 2018 tại Fanzone ở khu vực Đồi Chim sẻ trước Đại học Moskva ngày 14/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một tháng Hè sôi nổi sắp kết thúc. Nga đang chứng minh mình là một chủ nhà hoàn hảo cho ngày hội khi World Cup 2018 diễn ra đầy hấp dẫn, không sự cố và một bầu không khí tưng bừng.

Nhưng sau bức tranh đẹp này, bài toán dư âm đặt ra không ít thách thức với chủ nhà.

Không chỉ Nga, chủ nhà của các giải thể thao lớn đều phải đau đầu với điều đó. Nhiều trường hợp là kết cục khá buồn như Hy Lạp với Olympics Athens 2004 hay "thánh đường" Maracana của Brazil hoang tàn sau Olympic 2016 với những hàng ghế thậm chí bị bóc lấy đi.

Để phục vụ World Cup 2018, Nga đã xây mới cũng như tu sửa không ít sân vận động, cơ sở hạ tầng. Với đa số công trình, nhu cầu sau World Cup 2018 là tồn tại nên vấn đề sử dụng hiệu quả không phải là mối bận tâm.

Nhưng cũng có một số sân không nằm ngoài nỗi lo "hậu World Cup" ví dụ như sân vận động mới xây ở Saransk. Câu lạc bộ tiếp quản sân này là đội bóng địa phương FC Mordovia Saransk, một cái tên rất vô danh và năm tới chơi ở giải hạng 2.

[Canh bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai World Cup]

Mùa giải năm ngoái, đội bóng này có lượng khán giả trung bình mỗi trận là 3.700 người, trong khi sân vận động mới có sức chứa khoảng 44.000 chỗ ngồi.

Nằm cách 650km về phía Đông Nam thủ đô Moskva, Saransk chỉ có dân số 300.000 người và là một thành phố có mức sống không cao, thu nhập trung bình của người dân vào khoảng 15.000 ruble (tương đương 240 USD) mỗi tháng.

Chủ nhà Nga và bài toán "hậu World Cup" đầy thách thức ảnh 2Cổ động viên theo dõi trận đấu Nga - Saudi Arabia tại World Cup 2018 ở Fanzone Đồi Chim sẻ trước Đại học Moskva ngày 14/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chi phí xây sân vận động mới của Saransk vào khoảng 16 tỷ rouble (257 triệu USD), từ ngân sách Liên bang Nga. Chính quyền thành phố không phải lo hoàn trả, nhưng sẽ phải xoay xở chi phí hoạt động tốn khoảng 200-250 triệu rouble mỗi năm.

Chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ thêm khoản này trong 1 hoặc 2 năm tới và mục tiêu của Saransk sẽ là trong vòng 3 năm tự lo được chi phí hoạt động. Để làm được điều đó, thành phố đang lên nhiều kế hoạch quy mô.

Đây sẽ không còn là một sân phục vụ chỉ cho bóng đá mà có thể kết hợp đa mục đích như các trung tâm thể dục thể hình, hệ thống nhà hàng khách sạn...để bù đắp cho chi phí hoạt động. Một số khán đài cũng có thể được dỡ bỏ để thu nhỏ sức chứa xuống còn khoảng 30.000 chỗ ngồi.

Trong số 12 sân phục vụ World Cup 2018, một nửa là xây mới và thuần túy phục vụ ngày hội bóng đá thế giới trong khi phần còn lại là được nâng cấp hoặc xây theo kế hoạch từ trước. Một nửa số sân này sẽ trở thành sân nhà cho các đội bóng đang thi đấu ở Premier League của Nga.

Khi Nga giành quyền đăng cai, Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết rằng sau World Cup, các sân vận động sẽ không rơi vào tình trạng "vườn không nhà trống" mà trở thành sân nhà cho các câu lạc bộ Nga.

Kỳ World Cup tiếp theo vào năm 2020, chủ nhà Qatar phải đối mặt với bài toán dư âm còn khó giải hơn nhiều. Qatar sẽ xây ít nhất 8 sân vận động khép kín có điều hòa không khí. Với dân số vẻn vẹn 2,3 triệu người, lượng sân này rõ ràng là vượt quá nhu cầu.

Mặc dù vậy, Qatar cho biết sẽ có kế hoạch tháo dỡ một số sân sau giải để phục vụ mục đích khác./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục