"Chủ nghĩa Donald Trump" liệu có biến mất ở Israel?

Trong thời gian rất ngắn, ông Netanyahu - chính trị gia nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất ở Nhà Trắng, đã trở thành một nhân vật mà giờ đây thậm chí có thể trở thành gánh nặng cho mối quan hệ Mỹ-Israel
"Chủ nghĩa Donald Trump" liệu có biến mất ở Israel? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc gặp tại Jerusalem ngày 24/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng zeit.de, không còn Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin ông Netanyahu sẽ mất đi một mối quan hệ cá nhân tuyệt vời để có thể dễ dàng tiếp cận quyền lực chính trị ở Washington. Ngay cả ở Israel, "chủ nghĩa Trump" cũng sẽ mất đi. Nhưng không phải mọi thứ đều sẽ thay đổi.

Ngay cả khi ông ông Netanyahu đã dự đoán trước được thất bại của ông Trump thì cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ vẫn như một đòn mạnh giáng vào vị chính trị gia 71 tuổi này. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông Netanyahu - chính trị gia nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất ở Nhà Trắng, đã trở thành một nhân vật mà giờ đây thậm chí có thể trở thành gánh nặng cho mối quan hệ Mỹ-Israel.

Ông Joe Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Israel. Bà Kamala Harris cũng vậy. Cả hai người đều thuộc phe ôn hòa của đảng Dân chủ Mỹ. Đối với họ, liên minh với nhà nước Do Thái là điều hiển nhiên, đặc biệt là về quân sự và tính ưu việt của "nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông" - như Thủ tướng ông Netanyahu đã nhiều lần nhấn mạnh.

Ông Biden và ông Netanyahu quen biết nhau suốt 40 năm qua. Họ hiểu nhau quá rõ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông Biden biết rõ cách thức mà ông Netanyahu đã và đang điều hành nền chính trị Israel.

Ông Biden và đảng Dân chủ Mỹ chưa thể quên rằng trong những năm qua, ông Netanyahu hoàn toàn đứng về phía đảng Cộng hòa, cố tình chống lại việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 mà cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama khi đó đã rất nỗ lực để đạt được, cũng như đã bỏ qua quy tắc nền tảng trong quan hệ chính trị Mỹ-Israel qua thái độ công khai coi thường ông Obama.

Ở Mỹ, Israel luôn được coi là vấn đề của lưỡng đảng - một vấn đề mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi là quan trọng, tất nhiên với cách tiếp cận và ý tưởng chính trị khác nhau. Vì vậy, tất cả các thủ tướng của Israel đều nỗ lực để có mối quan hệ tốt đối với cả hai đảng. Nhưng ông Netanyahu lại khác, ông đã vứt bỏ nguyên tắc này, nhất là từ khi ông công khai ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Rommey chống lại ông Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2012.

"Thỏa thuận thế kỷ" của Tổng thống Trump đi vào dĩ vãng

Ở Jerusalem, nhiều người đang lo lắng tự hỏi liệu ông Biden có "trả thù" ông Netanyahu hay không, và ông sẽ điều chỉnh chính sách Trung Đông của Mỹ như thế nào? Ông Biden có muốn đưa mọi thứ trở về hiện trạng như thời cựu Tổng thống Obama, trước khi ông Trump lên nắm quyền năm 2016? Với tình hình thực tế hiện nay, điều này khó có thể xảy ra.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ không đảo ngược việc rời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem - vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Chắc chắn, ông cũng sẽ không chống lại việc có thêm nhiều thỏa thuận hòa bình giữa thế giới Arab và Israel.

[Vì sao Trung Đông vẫn là khu vực quan trọng đối với Mỹ?]

Đối với Saudi Arabia, sau cái chết của nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), quan hệ giữa nhà lãnh đạo Mohammed bin Salman với đảng Dân chủ Mỹ gặp nhiều trắc trở. Giờ đây, có thể một thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia với Israel sẽ sớm được Riyadh chấp thuận để làm vừa lòng chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Nhưng có một điều trở nên rõ ràng. Kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Donald Trump mà ông Netanyahu gọi là "thỏa thuận thế kỷ" sẽ đi vào dĩ vãng. Giờ đây, ông Netanyahu có thể sẽ phải chấp nhận một điều rằng vấn đề Palestine sẽ quay trở lại chương trình nghị sự về Trung Đông của chính quyền mới ở Washington.

Ông Biden là người tán thành giải pháp hai nhà nước, ông sẽ nhanh chóng khôi phục đại diện ngoại giao của Mỹ ở Đông Jerusalem và văn phòng của tổ chức Giải phóng Palestine PLO ở Washington.

Cùng với đó, chắc chắn rằng viện trợ của Mỹ dành cho chính quyền Palestine cũng sẽ được khôi phục. Nhưng điều đó có làm tăng khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa người Israel và người Palestine hay không? Với những người lãnh đạo của cả Israel và Palestine hiện nay, hầu như không thể đạt được một thỏa thuận như vậy. Ông Biden hiểu rõ điều này.

Và trước tiên, vị tổng thống kế nhiệm ông Trump cần phải tập trung giải quyết những vấn đề ưu tiên hơn với nước Mỹ như cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) hay vấn đề biến đổi khí hậu.

Về đối ngoại, xung đột với Trung Quốc là chủ đề chính chiếm phần lớn sự quan tâm ở Mỹ, do đó việc giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel sẽ phải chờ đợi.

Ở Trung Đông, điều mà ông Biden sẽ chú ý từ sớm là vấn đề Iran. Tất nhiên, ngay cả vấn đề này ông Biden cũng không dễ ràng đảo ngược trở lại. Ông Trump đã đơn phương rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran.

Và như đã thông báo, Tổng thống Trump muốn áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này cho tới ngày 20/1/2021. Chắc chắn, ông Biden sẽ mong muốn cùng giới lãnh đạo ở Tehran tạo nên một nền tảng chung mới. Nhưng ông cũng biết rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có những điểm yếu lớn. Có thể kể tới như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran tiếp tục được mở rộng; các tài khoản mà sau khi thỏa thuận JCPOA có hiệu lực đã được dỡ bỏ phong tỏa, trước hết được sử dụng để hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của nước này tại các quốc gia láng giềng như Liban hay Syria; thỏa thuận JCPOA làm cho Trung Đông tiếp tục bất ổn.

Ông Biden hiểu rõ rằng Israel coi chương trình hạt nhân và vũ khí của Tehran là mối đe dọa nghiêm trọng. Các chính trị gia Israel đã nói việc quay trở lại thỏa thuận JCPOA sẽ gây ra một cuộc chiến tranh - một thông điệp rõ ràng gửi tới Washington.

"Chủ nghĩa Donald Trump" liệu có biến mất ở Israel? ảnh 2Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chúc mừng ông Biden và gọi ông là ''một người bạn vĩ đại của Israel''. Nhà lãnh đạo Israel bày tỏ mong muốn hợp tác với chính phủ mới tại Mỹ để tăng cường quan hệ ''đồng minh đặc biệt'' giữa hai bên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về vấn đề này, ông Netanyahu biết rằng ông nhận được sự ủng hộ của cả đất nước, kể cả phe đối lập. Các vấn đề quan trọng khác cũng như thế, ví dụ Washington có thể hợp tác với Tehran ở mức độ nào để không ảnh hưởng tới sự tồn tại của Israel; hoặc trong tương lai Mỹ còn muốn can dự vào Liban, Syria, Afghanistan hay Iraq không? Tất cả đều là những vấn đề mang tính chiến lược với Nhà nước Do Thái. Thủ tướng ông Netanyahu hiểu rằng thời của Trump và ý tưởng về một "Trung Đông mới" đã qua.

Niềm tin vào ông Netanyahu đang bị lung lay

Đối với cá nhân Thủ tướng Israel, hiện nay có những mối đe dọa khác khiến ông phải quan tâm hơn nhiều. Ông Biden dường như không thích phong cách chính trị của ông Netanyahu ở Israel, do vị Thủ tướng này thường tiến hành các chiến dịch bôi nhọ đối thủ chính trị, nỗ lực làm tổn hại tới các thể chế dân chủ và truyền thông, lan truyền các tin tức giả mạo. Vì thế, chính quyền mới ở Mỹ có thể sẽ ủng hộ các đối thủ chính trị của ông Netanyahu.

Liệu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Ngoại trưởng Gabi Ashkenazi có trở thành những vị khách thường xuyên tại Phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng hay không? Hay lãnh đạo lực lượng đối lập Jair Lapid sẽ được chính quyền mới của Mỹ ủng hộ? Phải chăng những điều đó sẽ làm suy yếu hơn nữa vị thế của ông Netanyahu tại Israel?

Sự thất bại của ông Netanyahu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự suy giảm của nền kinh tế, những cáo buộc tham nhũng, bất ổn xã hội..., tất cả đều làm cho niềm tin của người dân Israel vào vị thủ tướng của họ suy giảm.

Khi người bạn ở bên kia bờ Đại Tây Dương của ông Netanyahu rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021, khi ông Netanyahu mất đi chìa khóa cá nhân để tự do mở cánh cửa quyền lực trung tâm ở Washington, đó có thể sẽ là điểm khởi đầu cho sự kết thúc của một biến thể của "chủ nghĩa Trump" ở quốc gia Do Thái Israel. Đối với các đối thủ của ông Netanyahu, ít nhất đó là điều họ đang mong đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục