Báo Le Monde (Pháp) vừa có bài bình luận về sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy trên toàn cầu, được ví như “quả tên lửa đẩy có 3 tầng.”
Nội dung bài viết như sau:
Phải chăng chủ nghĩa dân túy đang trở nên toàn cầu hóa? Câu hỏi này được đặt ra vào thời điểm đầu năm 2019, khi hàng loạt sự kiện đáng chú ý diễn ra chỉ trong khoảng thời gian một tuần.
Tổng thống mới của Brazil Jair Bolsonaro bày tỏ lòng trung thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cam kết xóa bỏ trật tự quốc tế tự do. Các nhà lãnh đạo của các đảng cầm quyền tại Italy tuyên bố ủng hộ phong trào "Áo vàng" đang gây ra những rạn nứt trong xã hội Pháp.
Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini tới Warsaw thăm lãnh đạo Đảng Công lý và Luật pháp (PiS) theo đường lối bảo thủ-dân tộc Jaroslaw Kaczynski, người đàn ông quyền lực nhất Ba Lan.
Cũng cần làm rõ rằng thuật ngữ "chủ nghĩa dân túy" được hiểu ở đây không phải theo cách miệt thị, mà theo nghĩa rộng là được sử dụng trong bối cảnh dân chủ tự do.
Trong cuốn sách về chủ nghĩa dân túy vừa được nhà xuất bản Editions de l'Aube và quỹ Jean-Jaurès Foundation phát hành, các nhà xã hội học Cas Mudde và Cristobal Rovira Kaltwasser lưu ý rằng các hình thức và ý thức hệ khác nhau của chủ nghĩa dân túy đều có hai đặc điểm chung, đó là kêu gọi người dân và lên án giới tinh hoa.
Theo báo Le Monde, chủ nghĩa dân túy toàn cầu giống như “quả tên lửa đẩy có 3 tầng”:
Tầng trên cùng là các nhà lãnh đạo quốc gia. Phải chăng đang tồn tại một sự quốc tế hóa chủ nghĩa dân tộc? Hoặc chí ít thì một liên minh như vậy đang được thành lập?
Đó là những điều mà các nhà phân tích chính trị đang nghĩ đến, trước chuyến thăm chính trị gia Ba Lan Kaczynski của Phó Thủ tướng Italy Salvini, mối quan hệ đặc biệt giữa Kaczynski và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, hoặc hình ảnh của tân tổng thống Brazil theo đường lối cực hữu Jair Bolsonaro có biệt danh "Trump của xứ nhiệt đới."
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 2/1, tân Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo, sau khi kêu gọi các đồng nghiệp không đọc tạp chí Foreign Affairs và báo New York Times do luôn phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đưa ra danh sách các quốc gia mà ông "ngưỡng mộ," đó là Israel, Mỹ, các nước Mỹ Latinh đã rời khỏi Diễn đàn Sao Paulo (nơi tập hợp các đảng cánh tả), nước Italy mới, Hungary và Ba Lan.
Tuy nhiên, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Brazil Bolsonaro vào ngày 1/1, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cử Ngoại trưởng Mike Pompeo đại diện cho Mỹ tới dự buổi lễ.
[Một góc nhìn về sự thúc bách phải cải cách liên minh châu Âu]
Trên thực tế, những đồng minh của ông Trump trên khắp thế giới và nhất là ở hai bờ Đại Tây Dương, cho dù mong muốn được tập hợp dưới "ngọn cờ” của ông Trump, đã phải đối mặt với nhiều nỗi thất vọng. Phương châm “Nước Mỹ trước tiên” của Trump luôn được áp dụng cho bất kỳ mối quan hệ nào.
Tổng thống Mỹ không tỏ ra “hào phóng” với các “đệ tử” châu Âu. Viktor Orban cho đến nay vẫn chưa được đón tiếp tại Nhà Trắng và Warsaw đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ miễn thị thực cho công dân Ba Lan.
Tầng thứ 2 là các đảng và phong trào chính trị.
Tuy nhiên, một liên minh như vậy, mà những người theo đường lối trung lập của lục địa già rất e ngại trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ được tổ chức vào ngày 26/5 tới, cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại. Có quá nhiều sự khác biệt giữa các phong trào mới hiện nay, so với quan hệ giữa các đảng Dân chủ-Xã hội hoặc Dân chủ-Cơ đốc giáo vào thời kỳ phát triển mạnh của các đảng này ở châu Âu.
Phó Thủ tướng Italy Salvini và chính trị gia Ba Lan Kaczynski dự định thành lập một liên minh trong Nghị viện châu Âu tương lai. Tuy nhiên, họ còn nhiều khác biệt về quan điểm trong vấn đề nhập cư và cách ứng xử đối với Nga. Thậm chí, họ tỏ ra lưỡng lự trước lời đề nghị liên kết với đảng cực hữu Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen (Pháp). Sự ủng hộ của "5 sao" (Italy) dành cho "Áo vàng" (Pháp) cũng cho thấy phong trào dân túy này tại Italy đang tìm kiếm đồng minh ở châu Âu.
Tầng dưới cùng, nơi nguy hiểm nhất vì khó kiểm soát nhất, là người dân. Nguy hiểm vì khi cuộc nổi dậy chống lại giới tinh hoa và hệ thống chính trị truyền thống lan rộng, các phương thức hành động giống nhau được truyền từ nước này sang nước khác.
Và bạo lực đang trở nên phổ biến. Tại Mỹ, những người ủng hộ ông Trump đã tấn công các nhà báo trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ở Italy, những kẻ cực đoan đã nhắm vào người nhập cư. Tại Pháp, những kẻ côn đồ khoác "Áo vàng" không chỉ tấn công các phóng viên mà còn đe dọa những người đại diện của nền Cộng hòa và phá hủy cơ quan công quyền. Tại London, ngày 7/1, nữ nghị sỹ phản đối Brexit Anna Soubry đã bị quấy rối trên phố ngay trước trụ sở Nghị viện khi đang trả lời phỏng vấn đài BBC. Tại Đức, một nghị sỹ đảng AfD cực hữu đã bị tấn công dữ dội.
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo quốc gia, các đảng phái chính trị và các công dân không ủng hộ các hành vi bạo lực phải nỗ lực cùng nhau “ổn định quả tên lửa” này trước nguy cơ nó phát nổ đang ngày càng rõ nét./.