Chủ nghĩa dân túy cực hữu châu Âu lung lay sau bạo loạn ở Quốc hội Mỹ

Các nhà lãnh đạo cực hữu của châu Âu, những người cho đến nay vẫn thông cảm với ông Trump, đang do dự giữa hành động phản công và tự vệ.
Chủ nghĩa dân túy cực hữu châu Âu lung lay sau bạo loạn ở Quốc hội Mỹ ảnh 1Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở Washington DC., ngày 6/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều lên án việc những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công Điện Capitol (Quốc hội Mỹ).

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cực hữu của châu Âu, những người cho đến nay vẫn thông cảm với ông Trump, đang do dự giữa hành động phản công và tự vệ.

Cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đề cập đến các vấn đề nội khối khi viết trên mạng xã hội Twiter rằng “có Trump ở khắp mọi nơi,” vì vậy mỗi người và tất cả mọi người phải bảo vệ “Điện Capitol của mình.”

Các chính trị gia cánh hữu của châu Âu, bao gồm lãnh đạo phe đối lập cực hữu người Hà Lan Geert Wilders, đồng minh lâu năm người Anh của ông Trump là Nigel Farage và lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu của Italy Matteo Salvini, đều đã lên án hành động của những người biểu tình.

Họ cũng nhanh chóng đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ đã mãn nhiệm Donald Trump vì sự kiện bạo lực, mặc dù trước đây đa số các chính trị gia này đều tìm cách sử dụng thông điệp "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump để cổ xúy cho phong trào dân túy của riêng mình.

Tổng thống Slovenia Janez Janša, được coi là người đặc biệt ủng hộ ông Trump, đã phân biệt giữa quyền biểu tình dân chủ và quyền bạo lực.

Ông cho rằng tất cả sẽ rất lo lắng vì bạo lực đã diễn ra ở Washington D.C.. Dân chủ luôn gắn liền với biểu tình hòa bình, nhưng bạo lực và đe dọa chết chóc, từ cánh tả đến cánh hữu, là luôn luôn sai.

[Bầu cử Mỹ: Cách các ứng cử viên áp dụng chiêu bài chủ nghĩa dân túy]

Ba Lan, đồng minh thân cận nhất của ông Trump ở châu Âu, đã lên án các sự kiện này, nhưng phản ứng của họ chỉ được đưa ra một ngày sau khi diễn ra hoạt động bạo loạn tại Điện Capitol.

Đáng chú ý, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhận xét rằng các sự kiện ở Washington là vấn đề nội bộ của Mỹ, dù sự kiện đã gây ra sự chỉ trích sâu rộng từ khắp nơi trên chính trường.

Sau vụ tấn công ở Điện Capitol, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš đã gỡ khẩu hiệu “Nước Séc mạnh mẽ” vốn lấy cảm hứng từ câu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump ra khỏi các tài khoản mạng xã hội của mình.

Trong khi đó, những lãnh đạo khác thì im lặng hoặc chỉ đưa ra phản ứng rất muộn sau đó.

Những người theo chủ nghĩa dân túy như Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic chưa đưa ra bình luận nào về vụ bạo lực.

Tình thế cũng đang chênh vênh đối với lực lượng cực hữu của Pháp và Đức. Phe cánh hữu của Pháp đã thể hiện một cú lật ngược đáng chú ý.

Đó là việc lãnh đạo của đảng Tập hợp quốc gia (RN), bà Marine Le Pen, người luôn ủng hộ ông Trump và thậm chí hồi đầu tháng 11 đã cử một phái đoàn để hỗ trợ ông Trump trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống, đã lần đầu tiên ghi nhận chiến công của ông Joe Biden.

Chủ nghĩa dân túy cực hữu châu Âu lung lay sau bạo loạn ở Quốc hội Mỹ ảnh 2Những người ủng hộ phong trào Áo vàng biểu tình bạo loạn tại Paris, Pháp hồi năm 2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên đài truyền hình Pháp France 2, bà Le Pen nói: "Giống như tất cả người dân Pháp, tôi vô cùng bàng hoàng trước những hình ảnh bạo lực này. Tôi tin rằng trong một nền dân chủ, chúng ta phải bảo vệ quyền biểu tình, nhưng một cách hòa bình. Bất kỳ hành động bạo lực nào nhằm phá hoại tiến trình dân chủ, tất nhiên đều không thể chấp nhận được."

Bà nói thêm đến nay, các biện pháp pháp lý đã cạn kiệt, chúng ta phải tôn trọng quy trình dân chủ, công nhận thất bại của ông Trump và chiến thắng của ông Joe Biden.

Tuy nhiên, bà Le Pen đã lên án quyết định của các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube vốn chặn video của ông Trump đăng trong vụ tấn công Điện Capitol, nơi ông kêu gọi hòa bình nhưng vẫn không chịu thừa nhận thất bại.

Theo bà Le Pen, ông Trump cần phải lên án những gì đã xảy ra và ông ấy phải có quyền làm điều đó. Video kêu gọi hòa bình […] của ông ấy đã bị mạng xã hội kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt này của các trang mạng xã hội đặt ra nhiều câu hỏi, kể cả ở Pháp.

Nhiều nhân vật thuộc mọi giới chính trị đã kêu gọi làm rõ quan điểm của RN.

Cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nghị sỹ Stéphane Séjourné,  gọi Le Pen là “kẻ gây bạo động” và nhớ lại rằng bà đã bày tỏ nghi ngờ về cuộc bầu cử Mỹ trong nhiều tuần.

Nghị sỹ Adrien Quatennens, một nhà lập pháp của đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất đã đả kích RN, nói rằng một khi cực hữu nắm quyền, họ khó có thể trao lại quyền.

Chuyên gia về cực hữu, ông Jean-Yves Camus, đánh giá sự kiện ở Điện Capitol sẽ thuyết phục hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị theo phong trào dân túy-dân tộc chủ nghĩa cánh hữu phải hết sức thận trọng không để những nhóm nhỏ người quá khích gắn với phong trào của mình.

Ông Camus nhận định rằng lập trường của Le Pen rõ ràng là nhằm đưa ra một tín hiệu ủng hộ những nhóm người này khi giải thích rằng "tại một thời điểm nào đó, bạn phải đối mặt với thực tế, ngay cả khi bạn không thích điều đó và ở trong khuôn khổ hợp pháp."

Ông Camus lập luận thêm rằng ngay cả khi nguy cơ xảy ra một sự kiện như vậy ở Pháp là rất thấp, nhưng để thanh minh cho đảng của mình thì bà ấy buộc phải đưa ra quan điểm.

Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng bà Le Pen đã cử hai lãnh đạo trong đảng của bà - Thượng nghị sỹ Pháp Stéphane Ravier và nghị sỹ châu Âu Jérôme Rivière - đến Mỹ để theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump và tìm hiểu các chiến lược của ông. Khi kết quả dần được công bố, họ lớn tiếng nói rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

Ông Camus kết luận khi bạn là đại biểu dân cử của Pháp, trước hết bạn không được quan tâm và bám vào các tuyên bố của bất kỳ nguyên thủ nước ngoài nào một cách có hệ thống. Nếu Marine Le Pen thua sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022 thì đó là do thái độ của bà ấy.

Đảng AfD cực hữu của Đức cũng lên án các cuộc bạo động. Nghị sỹ châu Âu Jörg Meuthen (ID) và đồng chủ tịch AfD cho biết những gì đã xảy ra ở đó thật đáng sợ, đáng lo ngại và hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. AfD từ chối mọi hình thức bạo lực và vô chính phủ.

Đồng chủ tịch AfD, Tino Chrupalla, nói thêm những kẻ tấn công dữ dội Quốc hội Mỹ chính là đang nhắm vào trung tâm của nền dân chủ ở Washington cũng như ở Berlin.

Thật vậy, những hình ảnh ngày 6/1 gợi nhớ đến các sự kiện tháng 8 vừa qua ở Berlin khi trong một cuộc biểu tình đã xảy ra trước tòa nhà Quốc hội Đức để phản đối các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19, một số người bất ngờ kêu gọi xông vào tòa nhà Quốc hội.

Đám đông bao gồm một nhóm cánh hữu phủ nhận sự tồn tại của Nhà nước Đức hiện đại.

Tuy nhiên, cảnh sát Đức, không giống như các đồng nghiệp Mỹ, đã ngăn chặn thành công đám đông trên các bậc thang của tòa nhà Quốc hội Đức.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra những điểm tương đồng giữa các vụ việc. Trong tuyên bố của mình, ông cho rằng là người Đức, không ai quên những hình ảnh đó khi những người phản đối nền dân chủ chiếm giữ các bậc thang tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, đồng chủ tịch đảng AfD Jörg Meuthen cho rằng sự so sánh này không phù hợp.

Ông Alexander Ritzmann, Phó thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), nhận định AfD dưới thời Meuthen bề ngoài yêu quý và tôn trọng pháp quyền và do đó lên án bạo lực chính trị, quan điểm này dường như vẫn chiếm đa số nhỏ và đang suy giảm trong đảng.

Nhưng bộ phận nhỏ này đang bị phân cực bởi các luận điểm dân túy cánh hữu, đặc biệt là về chủ đề di cư và hội nhập.

Ông giải thích thêm vì trong con mắt của hầu hết các nhà quan sát, ông Trump đã thực sự thua trên mọi mặt trận và "cơn bão" ở Điện Capitol không thể ngăn cản việc xác nhận chiến thắng của Biden, đồng thời cho rằng từ nay AfD sẽ không còn nói về ông Trump.

Ông Ritzmann kết luận cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ cho thấy phiên bản AfD nào sẽ chiếm ưu thế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục