Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền thông tin và biện pháp phòng chống dịch có vai trò quan trọng tại Ấn Độ, đặc biệt là tại các khu ổ chuột có điều kiện vệ sinh dịch tễ rất kém.
Tuy nhiên, những nhân viên cộng đồng trong trang phục bảo hộ kín mít không phải lúc nào cũng được các cư dân ở những khu ổ chuột chào đón.
Để khắc phục tình trạng này, Ashok Kurmi, một tình nguyện viên tại Mumbai, đã nghĩ ra một cách làm sáng tạo và hiệu quả, hóa trang thành chú hề khi đến hỗ trợ phòng dịch tại những khu vực này.
Ashok Kurmi, 37 tuổi, thường tranh thủ những ngày nghỉ, khoác lên mình bộ đồ chú hề đỏ chóe, vẽ mặt hề và đội tóc giả bảy sắc cầu vồng đến xịt khử khuẩn, phát khẩu trang và tuyên truyền thông tin về phòng chống dịch COVID-19 ở các khu ổ chuột trong thành phố.
[Lý giải nguyên nhân vì sao Ấn Độ "vỡ trận" COVID-19]
Theo Ashok Kurmi, việc thay đổi cách phục trang giúp công việc tuyên truyền hiệu quả hơn, được mọi người đón nhận nhiều hơn, đặc biệt là lũ trẻ sống trong các khu dân cư.
Không chỉ hóa trang thành chú hề, Ashok Kurmi còn hóa trang thành ông già Noel, chuột Mickey, mèo máy Doraemon hay người Nhện, những nhân vật hoạt hình mà trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, anh chia sẻ tới nay thì việc hóa trang làm chú hề là hiệu quả nhất.
Trong một chuyến tình nguyện tại khu ổ chuột Dharavi, lớn nhất Ấn Độ, một nhóm trẻ em đã chạy theo Kurmi, liên tục gọi "chú hề, chú hề" và chìa tay cho anh xịt khử khuẩn.
Cùng với những hình ảnh mang theo, Kurmi đứng trong vòng vây của lũ trẻ kiên nhẫn chỉ cho các em cách rửa tay sao cho sạch và đeo khẩu trang sao cho đúng.
Làm việc 15 năm cho một công ty dược nhưng Kurmi luôn làm thêm các công việc tình nguyện vì đam mê. Hằng tháng, anh trích khoảng 15.000 rupee (205 USD) từ tiền lương để mua trang phục, đồ hóa trang và các loại dung dịch sát khuẩn để đi làm tình nguyện. Khi Mumbai bước vào cuộc chiến chống làn sóng dịch bệnh thứ ba cũng là lúc công việc của anh thêm phần quan trọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh càn quét Ấn Độ, khiến hơn 28 triệu người nhiễm bệnh và hơn 300.000 tử vong, việc rong ruổi tới các khu ổ chuột để tuyên truyền thông tin phòng dịch càng đòi hỏi sự can đảm và hy sinh lớn hơn.
Dù vậy, Kurmi quả quyết sẽ tiếp tục đóng vai chú hề đi tình nguyện cho tới khi đại dịch bị đẩy lùi./.