Chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, di dời dân đến nơi an toàn

Các địa phương sẵn sàng phương án hộ đê, ứng phó lũ lớn trên sông theo phương châm "4 tại chỗ"; trực 24/24 giờ và duy trì lực lượng ứng cứu nhanh trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Mực nước Sông Hồng đang lên rất nhanh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Mực nước Sông Hồng đang lên rất nhanh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ, các địa phương sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông theo phương châm "4 tại chỗ"; ứng trực 24/24 giờ và duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, các đơn vị quân đội, công an, y tế phối hợp chặt chẽ để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Hà Nội: Tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mực nước các sông trên địa bàn thành phố hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 tầm 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm 10/9).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

Giám đốc, thủ trưởng các cấp, ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ sạt lở biết để phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Các huyện sẵn sàng các phương án sơ tán dân, di chuyển tài sản khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, lên danh sách hộ dân cần sơ tán; đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân.

Các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó tình huống xấu.

Chính quyền địa phương có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

TTXVN_1009nguoidanbaisongHong (3).jpg
Mực nước Sông Hồng dâng cao, nguy cơ gây ngập úng tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; Sở Công Thương Hà Nội rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng, chia cắt bởi mưa lũ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...

Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lụt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của thành phố để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân; đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ...

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường, từ chiều 9/9, Hà Nội đã cấm đường nối Chương Mỹ với Quốc Oai.

Theo ông Vũ Đình Hiệp, Đội phó Thanh tra giao thông huyện Quốc Oai, tuyến đường 421B nối thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) với huyện Quốc Oai cấm tất cả phương tiện từ 17h30 ngày 9/9 do có vị trí ngập sâu hơn 70cm.

Đơn vị đã phân luồng cách vị trí ngập 3km để khuyến cáo phương tiện đi theo hướng khác; đồng thời đặt biển cấm phương tiện trên đê Cấn Hữu do tuyến đê này trong đợt ngập hơn một tháng trước xuất hiện điểm thấm nước qua đê.

Hiện nay, đường cầu Bươu gần Bệnh viện K3 Tân Triều ngập 60 cm do nước sông Nhuệ tràn lên. Nhiều nhà dân trong ngõ 232 Tân Triều phải sơ tán đồ đạc ra ngoài.

Nước dâng nhanh, kèm theo mưa lớn trong đêm 9/9 khiến mực nước dâng nhanh, gây ngập lụt đến ngực tại ngõ 176 Nghi Tàm (Tây Hồ), Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... khiến người dân trắng đêm di dời tài sản.

Hưng Yên chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều

Sáng 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên có công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành và các địa phương về việc ứng phó với mưa lũ sau bão số 3 để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Công điện nêu rõ hiện nay, mực nước sông Hồng, sông Luộc tại Hưng Yên đang lên rất nhanh, đến 1h ngày 10/9, mực nước sông Hồng tại Hưng Yên là 4,49m, xấp xỉ mức báo động 1 (5,5m), mực nước sông Luộc tại La Tiến là 3,48m, xấp xỉ báo động 1 (4,2m), dự kiến sẽ vượt báo động 1.

song hong_nuoc dang cao 3.jpeg
Mực nước Sông Hồng đang lên rất nhanh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến; kịp thời xử lý các sự cố đê điều xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho tuyến đê...

Các địa phương chỉ đạo các xã, phường thông báo nhân dân thu hoạch hoa màu ở ngoài bãi sông (nhất là bãi sông ngoài đê bối); kiểm tra các điếm canh đê đảm bảo phục vụ công tác canh gác bảo vệ đê; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng canh gác điểm canh đê, tuần tra đê để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Công an tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đường thủy, các phương tiện đi trên mặt đê. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng trực, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống cống qua đê tả Hồng, qua đê tả Luộc để đảm bảo an toàn cho cống chống lũ; báo cáo kịp thời sự cố (nếu có) về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục