Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày 13/10 tại khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Hương Vĩnh (Hà Tĩnh) 153mm; Tân Lâm (Quảng Bình) 260mm; Đồng Tâm (Quảng Bình) 198,8mm; Ba Lòng (Quảng Trị) 87,8mm; Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 118mm; Hồ Phú Lộc (Quảng Nam) 103,2mm…
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Theo thông tin từ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân các địa phương.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa lớn trong nhiều giờ qua đã khiến nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 49B, một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ của Thừa Thiên-Huế ngập sâu.
Quốc lộ 49B ở Km3-Km8 (từ xã Phong Hòa đến xã Điền Hương, huyện Phong Điền) ngập sâu từ 0,4-0,6m. Tại Km95-Km96 (xã Lộc Bình, Phú Lộc), nhiều đất đá tràn mặt đường, nước chảy xiết, sâu 0,2-0,4m.
Nhiều đoạn đường trên Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 6B, 8A, 10C, 17B,19, 25B có vị trí ngập sâu nhất đến 1m, lực lượng chức năng đã dựng biển báo cấm người và phương tiện qua lại.
Mưa lớn kéo dài cũng làm sạt lở taluy dương Tỉnh lộ 551, đoạn từ xã Kỳ Phong đi xã Kỳ Trung, khiến hàng trăm m3 đất, đá đổ xuống đường chiều dài khoảng 50m.
Sạt lở khiến các phương tiện không thể lưu thông qua đoạn đường này. Chính quyền các địa phương đang tích cực huy động lực lượng, phương tiện giải phóng đất đá; lập rào chắn, cắm biển cảnh báo mức độ nguy hiểm tại khu vực sạt lở.
Trước diễn biến thời tiết bất thường, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh chủ động phương án phòng, chống ngập lụt, sạt lở đất tại vùng trũng, khu vực miền núi. Thủy điện Hố Hô tiến hành xả lũ để bảo đảm an toàn cho thủy điện và vùng hạ lưu, với lưu lượng qua tràn là 57 m3/s.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đang gây ngập lụt, chia cắt giao thông một số xã vùng biên giới.
Cụ thể, tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), đường vào bản Cờ Đỏ, bản Bụt bị ngập nước từ 0,5-1m, người và phương tiện không qua lại được.
Tại xã Hóa Sơn (huyện miền núi Minh Hóa), thôn Đa Năng nước ngập sâu khoảng 0,8m; cầu đập tràn bản Lương Năng ngập sâu khoảng 0,5m, người và phương tiện không thể qua lại được.
[Mưa lũ tại khu vực miền Trung diễn biến phức tạp trong 7 ngày tới]
Một số ngầm ở Thượng Hóa, xã Dân Hóa, xã Trọng Hóa (huyện miền núi Minh Hóa) cũng bị ngập sâu trong nước gây chia cắt giao thông đi lại. Ngầm qua thôn Quyền/xã Thượng Hóa ngập sâu khoảng 0,8cm, dài khoảng 30m; người dân qua lại bằng cầu treo. Đáng chú ý, tại xã Trọng Hóa, các ngầm Cô Pi, Tà Cổ nước ngập từ 0,5-1m khiến giao thông vào bảy bản của xã bị chia cắt.
Mưa lớn, nước dâng cao cũng khiến nhiều học sinh vùng trũng thấp Quảng Trị phải nghỉ học. Tính đến trưa 13/10, trên địa bàn tỉnh, 75 điểm trường của 39 trường học bị ảnh hưởng do mưa lớn, khiến hơn 2.000 học sinh của các khối Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở phải nghỉ học.
Theo Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng, Chống Thiên tai tỉnh Quảng Trị, mưa lớn khiến nhiều địa phương xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng và ven sông suối; các ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi; các xã vùng trũng của huyện Hải Lăng.
Mưa lớn dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ quét tại các sông, suối nhỏ khu vực miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng…
Tại thành phố Đà Nẵng, học sinh khối Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở và Tiểu học không học bán trú trên toàn thành phố nghỉ học vào chiều 13/10, do một số đoạn đường ngập sâu, đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Theo tin từ Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai, Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ Dân sự thành phố Đà Nẵng, dự kiến mưa lớn tập trung từ 9h đến 16h ngày 13/10, gây ngập úng nhiều nơi trong khoảng thời gian trên. Lượng mưa tại Đà Nẵng phổ biến 50-130mm, có nơi trên 130mm.
Khu vực Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ này.
Mưa lớn từ 14h ngày 13/10 khiến Tỉnh lộ 675 huyện Sa Thầy về thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bị chia cắt nhiều giờ, hàng trăm người và phương tiện không thể lưu thông.
Đến 16h cùng ngày, tại khu vực trên, nước vẫn chảy xiết, tràn qua Tỉnh lộ 675, làm ngập một đoạn dài gần 100m. Nước lớn, kèm bùn tràn vào cánh đồng Đồi 18 (thuộc thôn 2, xã Kroong, thành phố Kon Tum) khiến nhiều diện tích lúa vừa gieo nơi đây bị ngập.
Chính quyền xã Kroong cử lực lượng chức năng chốt chặn ở hai đầu ngăn người dân, phương tiện di chuyển qua vùng nước chảy siết để đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ có Công điện Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung.
Công điện nêu rõ hiện nay là thời điểm thường xảy ra mưa, bão tại miền Trung và Tây Nguyên, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai./.