Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị kịp thời báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để tìm cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp khắc phục.
Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vừa ký ban hành Công văn số 8162/BTNMT-PC thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đúng thẩm quyền

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện nội dung, tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công theo dõi, quản lý, đảm bảo đầy đủ, thống nhất, kịp thời, đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

[Xử phạt trên 3 tỷ đồng với Cromit Nam Việt do vi phạm về môi trường]

Các đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn.

Từ đó, có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu; không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.

Các đơn vị chủ động việc lập, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản phải tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách.

Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn; phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp.

Các đơn vị nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản, trường hợp không tiếp thu phải có báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường truyền thông chính sách đối với các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Các đơn vị rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn.

Kịp thời báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để tìm cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc đó.

Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên và môi trường (đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công quản lý) để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành.

Từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của văn bản quy phạm pháp luật.

Các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp

Các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy Đảng theo quy định tại các văn bản của Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nâng cao năng lực, phẩm chất thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, trình ban hành văn bản trái pháp luật và đề xuất biện pháp xử lý.

Các đơn vị ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng chỉ đạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; định kỳ hằng tháng báo cáo Bộ trưởng về tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Bộ trưởng các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: chậm đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật; tham mưu ban hành văn bản không đúng hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra tình trạng nói trên phải kiểm điểm trách nhiệm trước Bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục