Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của quân đội khi quân đội được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ làm lực lượng tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực mới đầy nhạy cảm chính trị, khó khăn và thách thức.
Thực tiễn cho thấy, các cán bộ quân đội hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập và tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, phối hợp hoạt động đa chiều trên cấp độ toàn cầu.
Để có được những thành quả này không thể không kể đến công tác chuẩn bị, huấn luyện, đào tạo gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng).
Việt Nam đã làm tốt công tác huấn luyện trước khi triển khai đến phái bộ với phương châm tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp, với các khóa huấn luyện tiền triển khai đối với cả hình thức đơn vị và sỹ quan cá nhân.
[Hành lang pháp lý cho việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình]
Các nội dung huấn luyện bao gồm huấn luyện quân sự chung; đào tạo ngoại ngữ; huấn luyện chuyên môn chuyên ngành; huấn luyện về kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; huấn luyện tiền triển khai về luật quốc tế, các kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tình hình phái bộ, nhiệm vụ cụ thể của Liên hợp quốc, kỹ năng sinh tồn, giao lưu văn hóa, kiến thức về đất nước và con người nước sở tại, bổ sung kiến thức chuyên môn, chuyên ngành quân y và công binh.
Điều này đã giúp cho các lực lượng của Việt Nam thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Từ tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác ba bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và Nhật Bản).
Từ năm 2018-2020, Việt Nam tổ chức 3 khóa huấn luyện cho hơn 100 học viên quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng, được Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc gửi thư khen về kết quả của chương trình này.
Đồng thời, hằng năm, Việt Nam tổ chức diễn tập song phương với Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó năm 2022, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn 48 người sang Ấn Độ để triển khai hoạt động huấn luyện diễn tập này.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực huấn luyện về chuyên môn gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã phối hợp với các nước đối tác (Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Vương quốc Anh...) tổ chức hàng chục khóa huấn luyện tại Việt Nam, gồm sỹ quan hậu cần Liên hợp quốc, sỹ quan tham mưu Liên hợp quốc, chuyên gia quân sự phái bộ, quan sát viên quân sự Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phối hợp với các nước đối tác tập huấn cho các nhà hoạch định kế hoạch quốc gia cao cấp về gìn giữ hòa bình, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống xâm hại tình dục, huấn luyện, diễn tập trên sa bàn, huấn luyện thực hành tổng hợp Bệnh viện dã chiến cấp 2; tổ chức các đợt trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung kiến thức chuyên ngành y-dược và công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Các khóa huấn luyện này đều có học viên quốc tế tham dự và sỹ quan công an tham gia, trong đó có sỹ quan công an đầu tiên được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc và sỹ quan công an triển khai tại Phái bộ Nam Sudan.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng cử hàng trăm sỹ quan tham dự các khóa huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở nước ngoài theo các chương trình tài trợ của Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hà Lan.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo ngoại ngữ cho các quân nhân được cử đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức hơn 40 khóa đào tạo tiếng Anh do các giáo viên Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand giảng dạy cho hơn 500 sỹ quan, cán bộ, nhân viên của bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh với nhiều trình độ khác nhau.
Đồng thời, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng Pháp tại Hà Nội tổ chức các khóa tiếng Pháp cho cán bộ chuẩn bị tham gia ở những phái bộ sử dụng tiếng Pháp như ở Trung Phi.
Tháng 8/2018, Liên minh châu Âu đã mời lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị Tư lệnh quốc phòng các nước Liên minh châu Âu và chính thức mời Việt Nam cử sỹ quan tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số phái bộ huấn luyện gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.
Ban Bí thư, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Quốc phòng triển khai 2 sỹ quan tham gia Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi theo lời mời của Liên minh châu Âu.
Ngày 24/11 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước cho 7 sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó đặc biệt có 2 sỹ quan lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi gồm Trung tá Vũ Thị Liên, Trợ lý Phòng Huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ Cố vấn cơ quan huấn luyện nhà trường (vị trí mới) và Đại úy Lê Như Tiến, Trợ lý Trung tâm Huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ Cố vấn/Sỹ quan huấn luyện cấp phân đội (vị trí mới).
Đối với các sỹ quan lần đầu triển khai ở vị trí mới, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã yêu cầu các sỹ quan quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; phát huy truyền thống lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến lưu ý các sỹ quan giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng tình đoàn kết với đồng nghiệp quốc tế và mối quan hệ với nhân dân tại địa bàn, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa./.