Chủ động di dời người dân đến nơi an toàn tại Thanh Hóa và Yên Bái

Đến sáng 18/8, tại Thanh Hóa, công tác di dân tại chỗ hoặc đến những nơi an toàn như trường học, trạm xá xã cùng tài sản của người dân đã cơ bản hoàn thành.
Chủ động di dời người dân đến nơi an toàn tại Thanh Hóa và Yên Bái ảnh 1Hơn 100 hộ dân tại thôn Thành Long, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, bị ngập buộc phải đi sơ tán. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sáng 18/8, do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về, nước sông Mã dâng cao khiến hàng nghìn ngôi nhà ở 7/10 thôn ngoại đê ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu trong nước. Chính quyền và 2.200 hộ dân của xã này đang gồng mình chống lại cơn lũ dữ.

Tại 7 thôn ngoại đê của xã Thiệu Dương đến rạng sáng 18/8 đã hoàn toàn chìm trong biển nước, nơi ngập sâu nhất là xấp xỉ 2m. Nước lụt khiến toàn bộ hệ thống đường giao thông liên thôn đã bị chìm sâu dưới nước. Phương tiện đi lại của người dân đều trông chờ vào những chiếc thuyền, bè nhỏ tự cung tự cấp. Nước lụt khiến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn.

Do nằm ngoài khu vực ngoại đê, sát sông Mã nên không có phương án nào khắc phục ngoài việc di dân cùng gia súc, tài sản của nhân dân vào khu vực an toàn.

Chị Lê Thị Phương (thôn 8 xã Thiệu Dương) cho hay: “Nước bắt đầu đổ về từ 3 giờ sáng và lên rất nhanh, đến sáng nay đã ngập 1/3 nhà. May mà trước đó nhận được thông báo của chính quyền địa phương nên gia đình đã kịp thời vận chuyển đồ đạc có giá trị, dễ hư hỏng lên chỗ cao để giảm bớt thiệt hại. Giờ chỉ trông nước nhanh rút để được về nhà.”

Ông Cao Trọng Mai (thôn 5, xã Thiệu Dương) cho biết: “Nước về, nhà không có gì đáng giá ngoài con bò nên đã đưa lên đê từ đêm hôm qua. Nhà có 2 ông bà, mỗi người trú mỗi nơi, bà nhà tôi thì sang nhờ nhà hàng xóm, còn tôi ở trên đê cả đêm để canh con bò này. Mỗi đợt bão lũ khổ lắm, nhưng vì đây là vùng xả lũ nên chúng tôi cũng đã quen rồi. Sống chung với lũ thôi.”

Từ 23 giờ đêm 17/8, ngay sau khi nhận được thông tin tiếp tục xả lũ hồ Cửa Đạt, chính quyền xã Thiệu Dương đã huy động lực lượng xuống những nơi bị ngập để di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến sáng 18/8, công tác di dân tại chỗ hoặc đến những nơi an toàn như trường học, trạm xá xã cùng tài sản của người dân đã cơ bản hoàn thành.

[Mưa lớn, lũ sau bão số 4 đã làm 8 người chết và mất tích]

Ông Nguyễn Anh Tuấn , Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thiệu Dương khẳng định: "Đến trưa 18/8, tất cả 7.100 nhân khẩu của xã Thiệu Dương đã được sơ tán đến nơi an toàn. Ủy ban Nhân dân xã đã chủ động hợp đồng với các đại lý tích trữ nhu yếu phẩm cần thiết như bánh mỳ, mỳ tôm, dầu ăn, giấy vệ sinh, nước uống... để cung ứng cho nhân dân vùng bị cô lập. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi sẽ lập tức triển khai lượng lượng cùng bà con nhân dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nguồn nước...” 

Hiện chưa có thống kê thiệt hại về tài sản nhưng hơn 20 ha hoa màu của bà con nhân dân xã Thiệu Dương có nguy cơ mất trắng vì bị nước nhấn chìm.

Hiện chính quyền xã và các lực lượng chức năng đang túc trực 24/24g để kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ.

Trong khi đó, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, trong hai ngày qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to gây ngập úng nhiều nơi.

Tại thị xã Nghĩa Lộ đã có 18 hộ dân ở xã Nghĩa Lợi bị ngập, phải di dời người và tài sản, hơn 4ha lúa bị ngập lụt. Mưa lũ cũng gây sạt lở hơn 250m kè suối Thia, một số tuyến đường và khu dân cư tại huyện văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ cũng bị ngập úng.

Ngoài ra, trên tuyến đường tỉnh lộ 174 đi từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu, mưa lớn đã làm sạt lở đất đá, gây ách tắc đường tại nhiều điểm, đặc biệt là từ km21 đến km 27, các phương tiện di chuyển qua đây rất khó khăn và nguy hiểm.

Hiện nay, trời ngớt mưa, các địa phương đang tích cực giúp đỡ nhân dân ổn định lại cuộc sống, tập trung nhân lực và phương tiện thông tuyến tỉnh lộ 174.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là tại các huyện Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên.

Các địa phương này cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục