Chủ động đảm bảo an ninh kinh tế trước tác động của cuộc cách mạng 4.0

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, việc tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 6/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Khoa học tư duy hệ thống trong lãnh đạo, quản lý, chủ động bảo đảm an ninh kinh tế trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay."

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức-sản xuất thông minh, làm "mờ dần" tính chất giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Cuộc cách mạng này cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả, đồng thời tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu.

[Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bền vững ở Việt Nam]

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay thế cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào truyền thống.

Trong đó, một làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao sẽ làm gia tăng tội phạm công nghệ cao có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia nên đòi hỏi sự hỗ trợ đắc lực cho hệ thống điều hành nhà nước đủ linh hoạt để quản lý, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và các thành phần trong xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cũng như đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, tác động đến nhiều phương diện của đời sống kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, dự báo cuộc cách mạng này sẽ tạo động lực thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam nhưng cũng có những rủi ro trong vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong bối cảnh này, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng bền vững, hệ thống điều hành nhà nước cần chủ động phòng ngừa, ứng phó những vấn đề an ninh, an toàn cho nền kinh tế.

Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là các hệ thống sản xuất thực-ảo (Cyber Physical Systems-CPS).

Cuộc cách mạng này, gồm 15 lĩnh vực chủ đạo với cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử...

Đối với doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có bốn tác động chính về kỳ vọng của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hợp tác và hình thức tổ chức; trong đó, doanh nghiệp có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn, vốn ít hơn, với lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.

Còn đối với nhà sản xuất, sự du nhập công nghệ tiên tiến giúp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo và phát triển của nền công nghiệp trong dài hạn.

Riêng người tiêu dùng được tiếp cận thông tin sản xuất minh bạch hơn do áp lực duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất và tiêu dùng, Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đồng thời là Giám đốc Tổ chức năng suất châu Á thường trực tại Việt Nam cho hay, cuộc cách mạng này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nước phát triển nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách với những quốc gia phát triển.

Cụ thể, từ việc khảo sát thực tế hơn 300 doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu áp dụng sản xuất thông minh trong doanh nghiệp thể hiện qua 5 vấn đề gồm: hoạt động quản lý doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nền tảng sản xuất, nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thúc đẩy sản xuất thông minh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua nhiều Hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia nhấn mạnh, việc tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết.

Đặc biệt, ở cấp quản lý và nhà hoạch định chính sách, ý thức về áp dụng công nghệ thông tin, mức độ hội nhập quốc tế cao về khoa học công nghệ, thương mại, đầu tư... để Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi tiếp cận sản xuất thông minh.

"Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, triển khai mạnh mẽ cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để sớm hình thành những mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp. Qua đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả," một số chuyên gia chia sẻ thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục