“Chủ động chống quan điểm sai trái trong VH-NT”

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ chủ động chống quan điểm sai trái về văn học nghệ thuật.
Lưu ý đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật là một nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng trước những diễn biến phức tạp trên mặt trận tư tưởng-văn hóa hiện nay, Hội đồng cần chủ động bám sát thời sự văn học-nghệ thuật hơn, kiến nghị những giải pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.

Sáng 28/3, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương ở Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận cố gắng của Hội đồng trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, với nhiều biện pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát triển; qua đó, khẳng định vị thế của Hội đồng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đề cập về hoạt động nghiên cứu lý luận, ông Đinh Thế Huynh đánh giá cao kết quả các cuộc Hội thảo khoa học do Hội đồng tổ chức từ đầu nhiệm kỳ, nhất là cuộc Hội thảo khoa học “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”.

Qua hội thảo, Hội đồng đã tư vấn cho Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương một số giải pháp có ý nghĩa thiết thực, góp phần định hướng các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, cùng đội ngũ văn nghệ sỹ tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh việc sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài lịch sử đang là đòi hỏi cấp bách, góp phần bồi đắp lòng yêu nước và giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay. Hội đồng cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai bốn đề xuất, kiến nghị nêu lên tại cuộc Hội thảo này.

Ông Huynh cũng nêu rõ xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là một chủ trương đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đề án khoa học “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam-Thực tiễn và định hướng phát triển” do Hội đồng chủ trì là một trong những bước đi đầu tiên, góp phần từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam.

Đây là một công trình khoa học lớn và khó, đòi hỏi Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án và 4 đề tài phát huy tinh thần trách nhiệm, có phương pháp và kế hoạch nghiên cứu thật khoa học và cụ thể, nhất là phải tập hợp, đoàn kết được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực này và các văn nghệ sỹ có kinh nghiệm, có tâm huyết trong cả nước tham gia.

Đề cập về quy chế làm việc của hội đồng, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, Hội đồng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 84, ngày 27/6/2007 của Ban Bí thư; Quy chế làm việc số 13 do Hội đồng ban hành; Công văn số 1521, ngày 25/11/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Công văn số 1501, ngày 04/5/2012 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Về cơ chế hoạt động, Hội đồng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư và sự quản lý trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, đồng thời cần bàn bạc dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Hội đồng tập hợp, đoàn kết, huy động được đông đảo các cơ quan, các nhà lý luận, phê bình văn nghệ tham gia vào việc phát triển nền lý luận văn học- nghệ thuật nước nhà.

Về phương thức hoạt động, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là nơi tập hợp các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhất là đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ; là địa chỉ tin cậy về văn hóa. Hội đồng tôn trọng tài năng, nhân cách, phát huy thế mạnh và sự cống hiến của từng thành viên trong các hoạt động chuyên môn, khoa học.

Hội đồng cần gắn kết, phối hợp với các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật, các cơ sở đào tạo, phối hợp với các cơ quan báo, đài, tạp chí có chuyên trang, chuyên mục văn nghệ để thông tin, tuyên truyền về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Trong nghiên cứu, phát biểu, thảo luận, hội thảo, các thành viên Hội đồng bình đẳng, đề cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng phong cách, phẩm giá và cá tính của mỗi thành viên; phát huy tài năng, trách nhiệm của mọi thành viên trong việc đánh giá, bình luận, đề xuất các giải pháp về những vấn đề liên quan đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Tại kỳ họp này, Hội đồng sẽ đánh giá kết quả hoạt động giữa hai Kỳ họp thứ 5 và 6 về triển khai thực hiện các đề án, đề tài khoa học; xét chọn tặng thưởng các tác phẩm lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc....

Nhiệm vụ trọng tâm công tác từ nay đến kỳ họp thứ 7 và đến cuối năm 2013, Hội đồng sẽ tập trung hoàn thành bộ hồ sơ khoa học của Đề án “ Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - Thực tiễn và định hướng phát triển” và 4 đề tài trình Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt; tiếp tục triển khai đề tài cấp Ban “Thực trạng, giải pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học, nghệ thuật.

Hội đồng tiếp tục khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, thông báo kết luận số 213-TB/TƯ của Ban Bí thư về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”, Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội tại một số Bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5( khóa VIII), sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục