Chủ đầu tư hầm Hải Vân: Nguy cơ ‘vỡ trận’ do dự án bị ‘chôn chân’

Dự án BOT xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có tổng mức đầu tư 7.295 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ phương án tài chính với những vướng mắc về mặt bằng và chưa thể thu phí.
Nhà thầu thi công hạng mục dự án hầm Hải Vân 2. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án BOT xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có tổng mức đầu tư 7.295 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ phương án tài chính do thiếu nguồn tiền Nhà nước chi trả nhà đầu tư ứng ra để đảm bảo vận hành hầm Hải Vân giai đoạn 1 và không được thu phí tại trạm Nam Hải Vân vì vướng mắc về vị trí với trạm thu phí BOT Phước Tượng Phú Gia.

Mặt bằng “ngâm” tiến độ

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 12/2016 đến 12/2020. Đến này, dự án đang triển khai thi công đồng loạt các gói thầu chính cả hai phía Bắc và Nam, trong đó hầm Hải Vân 2 đã thi công đào và gia cố đạt 3.397/6.292m tương ứng 54% chiều dài hầm (phía Bắc đào được 1.988m và phía Nam đào được 1.409m). Phần xây dựng cầu và đường dẫn vào hầm Hải Vân 2 đã thi công đồng loạt cả phía Bắc và phía Nam với giá trị hoàn thành đạt hơn 35% khối lượng.

[Khó bàn giao mặt bằng dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 đúng hạn]

Đối với các gói thầu thi công phần cầu đường dẫn, theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án), hiện đang bị chậm trễ nghiêm trọng đối với gói thầu thi công cầu Hải Vân 2, đặc biệt đối với các hạng mục thi công ở dưới nước từ mố A1, trụ P1-P2 và đường dẫn đầu cầu (chậm khoảng 8 tháng so với tiến độ tổng thể được duyệt và chậm khoảng 15% so với kế hoạch sản lượng thực hiện).

Chỉ ra thực tế các vướng mắc chính về công tác giải phòng mặt bằng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ hoàn thành của dự án, ông Đức cho biết, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, dự án hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2017. Thế nhưng, nhà đầu tư hiện nay đã nhận được 18,03/19,14ha mặt bằng (đạt 94,2%).

Cụ thể, toàn bộ tuyến đường dẫn phía Bắc và mố A1 cầu Hải Vân 2 khoảng 110m chưa được bàn giao do còn 18 hộ dân (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chưa đồng ý giải tỏa, di dời do đơn giá đền bù thấp; mặt bằng thi công các hạng mục dưới nước từ trụ P1-P2-P3 bị vướng một số lồng nuôi cá và ngăn cản thi công của người dân do khiếu nại về chế độ chính sách hỗ trợ dừng một vụ nuôi không được hưởng, vị trí neo đậu tàu thuyền trong phạm vi thi công.

“Mặc dù phía huyện Phú Lộc cam kết sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước ngày 15/7 vừa qua nhưng hiện vẫn ‘dậm chân tại chỗ’. Nhà đầu tư đề nghị tỉnh đưa ra mốc thời gian ấn định bàn giao mặt bằng để các đơn vị đưa ra phương án thi công. Trong trường hợp mặt bằng ‘ngâm’ tiến độ quá lâu, nhà đầu tư sẽ trả lại phần đường dẫn phía Bắc và mố cầu A1 lại Bộ Giao thông Vận tải và địa phương thực hiện đầu tư hoàn thiện,” ông Đức nhấn mạnh.

Nguy cơ vỡ phương án tài chính

Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.

Theo quy định hợp đồng dự án, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, từ 1/1/2017, nhà đầu tư sẽ được triển khai thu phí để hoàn vốn và có nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa được thu phí tại trạm Nam Hải Vân do vướng mắc về vị trí với trạm thu phí BOT Phước Tượng-Phú Gia đặt tại trạm Bắc Hải Vân cũ (thu phí 19 năm và đặt ngoài phạm vi dự án mà nhà đầu tư thực hiện).

Nhà đầu tư Đèo Cả chưa thể thu phí tại trạm Nam Hải Vân do vướng mắc về vị trí với trạm thu phí BOT Phước Tượng-Phú Gia. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Báo cáo của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho thấy, hiện nay, kinh phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 (từ ngày 1/1/2016 đến nay đã hơn 2,5 năm) với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn vay ngân hàng.

“Chi phí thực hiện quản lý, vận hành 2018-2020 chưa được bổ sung vào dự án dẫn đến không có kinh phí chi trả, nguy cơ phải tạm dừng hầm Hải Vân 1 vì không có nguồn tài chính để tiếp tục vận hành, đồng thời việc chậm giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện công tác QLVH hầm Hải Vân nên trên, sẽ làm thâm hụt nguồn thu của dự án, mất cân đối dòng tiền trả nợ theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng,” lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chia sẻ.

Lý giải rõ hơn về việc không được thu phí hoàn vốn trong khi vẫn phải bảo trì hầm Hải Vân 1, phía nhà đầu tư cho rằng, trạm thu phí Nam Hải Vân không được thu do trạm Bắc Hải Vân đang thu cho dự án hầm Phước Tượng-Phú Gia đặt ngay tại cửa Bắc hầm Hải Vân (nếu thu trạm Nam Hải Vân thì khoảng cách 2 trạm là 8km).

[Bộ Giao thông kiến nghị dùng chung trạm BOT Bắc Hải Vân cho 2 dự án]

Tiết lộ Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định về việc điều chỉnh phương án tài chính dự án đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia, trong đó chia sẻ một phần doanh thu cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả, tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, việc bù đắp này không đủ so với doanh thu dự kiến tại trạm Nam Hải Vân làm thiếu hụt nguồn thu của dự án khoảng 11.811 tỷ đồng trong vòng 19 năm chia sẻ doanh thu (tương đương với giá trị hiện tại khoảng 2.893 tỷ đồng).

“Đây là giải pháp mang tính tình thế của Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết một phần khó khăn về nguồn thu cho dự án. Nhà đầu tư mong muốn sử dụng trạm thu phí Hải Vân chỉ để hoàn vốn cho dự án hầm Hải Vân để đảm bảo nguồn thu theo phương án tài chính ban đầu, đồng thời cũng tránh dư luận xã hội hiểu nhầm về việc tăng phí,” lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả khẳng định.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng đang đối mặt với rủi ro trong phương án tài chính khi mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có báo cáo Quốc hội không thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan (theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông Vận tải thì trạm La Sơn-Túy Loan từ đầu năm 2019) để hoàn vốn cho đầu tư xây dựng hầm Hải Vân.

Hơn nữa, gần đây, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí cho dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, mở rộng hầm Hải Vân) sẽ làm tăng dư nợ tín dụng của Dự án khoảng 954 tỷ đồng, làm phát sinh thêm lãi vay khoảng 110 tỷ đồng, thời gian thu phí kéo dài thêm khoảng 3 năm; tăng áp lực trả nợ lãi và gốc.

Cụ thể, thời gian trả nợ hạng mục Đèo Cả tăng từ 19 năm lên 22 năm; lãi phát sinh tăng từ 13.603 tỷ lên 21.464 tỷ trong vòng 22 năm; đồng thời không có nguồn vốn giải phóng mặt bằng các hạng mục hầm Cù Mông và hầm Hải Vân, làm mất cân đối phương án tín dụng của toàn dự án hầm Đèo Cả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục