Chú chim cánh cụt hoàng đế "lập kỳ tích" bơi hơn 3.000km đến Australia

Nhưng như một kỳ tích, chú chim cánh cụt hoàng đế Gus, đơn độc và suy dinh dưỡng, đã “đổ bộ” lên một bãi biển ở Australia, cách Nam Cực bản địa của chú hơn 2.000 dặm (gần 3.220km).

Chú chim cánh cụt hoàng đế có tên "Gus" được phát hiện trên một bãi biển ở thị trấn Denmark, Tây Australia hồi đầu tháng này. (Nguồn: National Geographic)
Chú chim cánh cụt hoàng đế có tên "Gus" được phát hiện trên một bãi biển ở thị trấn Denmark, Tây Australia hồi đầu tháng này. (Nguồn: National Geographic)

Trong thế giới hoang dã, chim cánh cụt thường “lang thang” đến tận cùng ranh giới lãnh thổ của chúng. Thông thường, những cuộc thám hiểm trong môi trường băng giá này diễn ra khá ngắn ngủi.

Nhưng như một kỳ tích đáng kinh ngạc, một chú chim cánh cụt hoàng đế, đơn độc và suy dinh dưỡng, gần đây đã “đổ bộ” lên một bãi biển ở Australia, cách Nam Cực bản địa của chú hơn 2.000 dặm (gần 3.220km).

Đối với con người, khoảng cách đó tương đương với việc bơi hơn 44.000 vòng trong một hồ bơi Olympic dài 50m.

Vào ngày 1/11 vừa qua, chú chim cánh cụt đực trưởng thành được phát hiện đang lạch bạch đi lên Bãi biển Đại dương (Ocean Beach) ở Denmark, một thị trấn ở Tây Australia. Chú chim sau đó được các chuyên gia động vật hoang dã địa phương đưa đến nơi an toàn.

Sự xuất hiện của chú chim cánh cụt hoàng đế, hiện có biệt danh là Gus, đánh dấu lần đầu tiên loài chim cánh cụt hoàng đế đến được lục địa này.

Trong thế giới loài chim, những lần di cư hiếm hoi như thế này được gọi là những lần” lang thang” - Casey Youngflesh, Phó Giáo sư tại Đại học Clemson, cho biết.

Sống ở nơi lạnh nhất trên Trái Đất, chim cánh cụt hoàng đế, có thể cao tới 45 inch (hơn 1,1m) và sống từ 15-20 năm, thường sống theo bầy đàn với số lượng từ vài trăm đến hàng nghìn con.

Chim cánh cụt “có mọi lợi thế giúp chúng có khả năng thích nghi độc đáo”: Bộ lông cực dày bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ đóng băng và những cơn gió lạnh buốt của Nam Cực, và lượng mỡ dự trữ đáng kể cho phép chúng nhịn ăn trong thời gian dài. Chim cánh cụt cũng là những” vận động viên bơi lội” phi thường, với khả năng lặn sâu đến hơn 450m.

Mặc dù những khả năng này có thể không hữu ích ở những vùng khí hậu ấm hơn nhiều, nhưng những đặc điểm này chắc chắn có thể giúp chú chim cánh cụt đực thực hiện chuyến hành trình “gian khổ” đến Australia - Youngflesh cho biết.

Theo một chuyên gia phục hồi động vật hoang dã thuộc Bộ Đa dạng sinh học, Bảo tồn và Điểm tham quan của Australia, Gus còn sống khi và có thể di chuyển khi được tìm thấy, nhưng bị thiếu cân nghiêm trọng - đủ để có thể nhìn thấy xương sống của nó ở một góc.

Gus có thể sẽ cần nhiều tuần phục hồi chức năng trước khi hoàn toàn khỏe mạnh trở lại và có khả năng được thả trở lại vùng nước quen thuộc.

Việc xác định chính xác nguyên nhân khiến chú chim cánh cụt này rơi vào tình trạng như vậy lại là một vấn đề khác. Một số chuyên gia cho rằng chú chim có thể đã bị một cơn bão thổi bay khỏi đường đi và bị mất phương hướng, hoặc một số giác quan định hướng khác của chú chim bị gián đoạn theo một cách nào đó.

chim canh cut_gus.png
Gus đứng trên bờ biển ở thị trấn Denmark (Australia). (Nguồn: National Geographic)

Đây không phải là lần đầu tiên một chú chim cánh cụt được tìm thấy ở xa nơi chúng sinh ra. Vào năm 2011, một người dân cho biết đã nhìn thấy một chú chim cánh cụt hoàng đế trong hoàn cảnh tương tự, bị “mắc cạn” trên một bãi biển ở New Zealand.

Hồi năm 2002, một chú chim cánh cụt Humboldt bản địa Nam Mỹ cũng được tìm thấy ở Alaska, sau khi được cho là đã “trốn” trên một con tàu đánh cá. Cả hai trường hợp đều không cần đến sự can thiệp của con người và những chú chim “lang thang” này có thể đã “đi về nhà.”

Mặc dù chim biển hiếm khi rời đến vùng đất xa xôi, trường hợp của Gus có thể cho thấy tốc độ thay đổi môi trường Nam Cực và mức độ ảnh hưởng của các loài bản địa.

Ví dụ, chim cánh cụt hoàng đế phụ thuộc vào băng biển ổn định để sinh sản, nhưng khi biến đổi khí hậu ngày càng khiến các thềm băng tan chảy nhiều hơn, quần thể loài này có thể sẽ suy giảm nhanh chóng trong vài thập kỷ tới.

Những thay đổi lớn về môi trường, cùng với nguồn thức ăn ngày càng cạn kiệt đồng nghĩa một số loài động vật phải tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn xa hơn so với bình thường.

Các chuyên gia cho rằng sự “lang thang” của động vật đôi khi có thể là yếu tố dự báo sự mở rộng phạm vi trong tương lai, Youngflesh cho biết. "Tần suất ngày càng tăng của những sự kiện như vậy có thể cho thấy có điều gì đó đang thay đổi đối với loài này" - ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục