Chốt phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6% kể từ ngày 1/7

Trong phiên họp thứ 2, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn và thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 1/7 với mức tăng bình quân là 6%.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Sau hai phiên họp, thương lượng, sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 với mức tăng là 6%, trong khoảng từ 180.000-260.000 đồng, tùy thuộc từng vùng.

Theo phương án tăng lương vừa được thống nhất, tiền lương tối thiểu vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng. 

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết mức tăng lương tối thiểu 6% phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy mức tăng chưa cao nhưng nó dung hòa được mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động.

[Công đoàn: Không thể tiếp tục trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng]

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết Hội đồng tiền lương sẽ sớm trình phương án tăng lương tối thiểu vùng để Chính phủ quyết định, thực hiện sớm nhất có thể.

Chốt phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6% kể từ ngày 1/7 ảnh 1Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, bắt đầu phục hồi, nên rất thận trọng trong việc điều chỉnh mức lương.

“Bản thân chúng tôi cũng chưa hài lòng với việc điều chỉnh tăng lương này vì nó chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hy vọng sẽ điều chỉnh từ 1/1/2023, nếu điều chỉnh từ 1/7/2022 sẽ rất vất vả cho họ vì phải điều chỉnh lại các phương án kinh doanh, tăng trưởng trong khi các đơn hàng và kế hoạch đã được chốt từ đầu năm. Tuy nhiên, hội đồng đã thống nhất cao với 15/17 thành viên đồng ý với phương án điều chỉnh, 2 thành viên đề xuất tăng từ 1/1/2023,” ông Phòng cho biết.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay phía đại diện cho người lao động đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ 7-8% từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì mức tăng 6% đã thể hiện sự chia sẻ giữa người lao động với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc điểu chỉnh tăng lương là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao năng suất lao động giúp doanh nghiệp phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục