Chống thất thu thuế xăng dầu: Vẫn mơ được như nước… người ta

Chống thất thu thuế của Nhà nước: Người dân mua xăng nên lấy hóa đơn

Tại Việt Nam, biện pháp mới được cơ quan chức năng mới áp dụng là dán tem niêm phong đồng hồ tại các cây xăng để chống thất thu thuế thực chất vẫn mang tính tạm thời.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ở nước ngoài, khách hàng tự bơm xăng, trả tiền và Nhà nước chẳng lo mất đồng thuế nào. Trong khi ấy, với Việt Nam, biện pháp mới được cơ quan chức năng mới áp dụng là dán tem niêm phong đồng hồ tại các cây xăng dù rằng có hiệu quả phần nào nhưng thực tế vẫn mang tính tạm thời.

Đó là những gì được chính lãnh đạo ngành thuế nói lên trong buổi họp báo được tổ chức chiều 31/3 tại Hà Nội.

Sau dán tem, có nơi tăng thu hơn 20%

Giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng tiêu thụ tại từng cột xăng đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi các địa phương đề nghị phối hợp chỉ đạo từ tháng Chín năm ngoái.

Tới nay, đã có 46 tỉnh, thành phố thực hiện dán tem tại 10.000 điểm cửa hàng, tương ứng là khoảng hơn 30.000 trụ xăng.

Nói về những kết quả ban đầu, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, sản lượng tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường tại các tỉnh này đã tăng bình quân khoảng 10-20% so với trước đó.

Ông ví dụ tại Quảng Ninh, nơi đã hoàn thành việc dán tem từ cuối tháng 11/2016. Qua theo dõi, đại diện ngành thuế cho biết, sản lượng tiêu thụ và số thuế nộp ngân sách trong của tháng sau đó đã tăng khoảng 15% so với thời điểm trước khi dán tem.

Đặc biệt, với Nghệ An, kết quả cho thấy, sản lượng tiêu thụ và số thuế nộp về thậm chí còn tăng tới 20% so với tháng trước khi thực hiện dán tem.

Cho rằng đây là giải pháp tốt để chống thất thu ngân sách nhưng lãnh đạo ngành thuế cũng cảnh báo, sự chênh lệch trên có thể không hoàn toàn do việc dán tem. Một vài yếu tố có thể gây biến động sản lượng tiêu thụ có thể kể tới nhu cầu tiêu dùng, yếu tố dự trữ, mùa vụ từng tháng khác nhau.

Nói về câu chuyện dài hơi hơn, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đặt ra câu hỏi: Vì sao ở nước ngoài, người dân tự bơm xăng, trả tiền nhưng Nhà nước vẫn thu được thuế?

Điều này được ông lý giải bởi các nước có sự liên thông giữa các đơn vị kinh doanh, cơ quan thuế và cả khách hàng. Việc tự bơm xăng cũng đã có ở Việt Nam nhưng ông Phụng cho rằng, người dùng vẫn phải đợi làm phiếu, viết hóa đơn khá mất thời gian.

“Tham vọng của ngành thuế là mỗi lần bơm xăng, vòi xăng sẽ tự động cập nhật vào phần mềm, bao nhiêu lít, bao nhiêu tiền và trên cơ sở đó, nó sẽ tích hợp vào phần mềm quản lý xăng dầu, chuyển tới bộ phận quản lý. Cái đó ta sẽ làm được nếu có phần mềm đồng bộ, quản lý bán hàng song song với phần mềm thuế,” ông Phụng nói.

Tuy nhiên, điều này theo ông vẫn chưa làm được vì cần đầu tư thiết bị, hệ thống quản lý với số tiền không hề ít. Ngay cả với doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lãnh đạo ngành thuế cho biết, đơn vị này khi thực hiện thí điểm cũng gặp khó vì đầu tư. Trong khi ấy, với những đơn vị có tiềm lực yếu hơn, việc không có tiền để trang bị đồng bộ càng là vấn đề khó.

“Bởi vậy, giải pháp dán tem là tạm thời. Ta có 23-24 đầu mối kinh doanh xăng dầu, tiềm lực khác nhau, không thể trang bị đồng bộ nên phải có giải pháp dán tem để đảm bảo phù hợp,” ông Phụng nhận xét.

Làm sao khuyến khích người dân lấy hóa đơn?

Quay lại câu chuyện lấy hóa đơn khi mua xăng, dầu ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng nêu lên thực tế, có gian lận trong khâu này.

Theo ông, nhiều người mua xăng, dầu không lấy hóa đơn. Lượng xăng, dầu này sẽ được dồn lại và chỉ cần trả “mấy chục nghìn đồng,” người có nhu cầu có thể mua hóa đơn cho lượng nhiên liệu thực tế mình không mua.

Bởi thế, câu chuyện dài hơn là làm sao để khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua xăng. Chỉ ra kinh nghiệm quốc tế, ông Phụng cho hay, tại Hàn Quốc, nước này đã khuyến khích người dân bằng cách thưởng tiền cho những người lấy hóa đơn.

Tuy nhiên, quay trở lại Việt Nam, ông thừa nhận, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì đó chỉ là kinh nghiệm để chúng ta “cân nhắc.” Còn thực tế, dùng biện pháp vật chất để khuyến khích theo ông vẫn là “hơi khó.”

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, ngay từ bây giờ, cần thiết phải nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử tới tất cả cửa hàng, chi nhánh, công ty kinh doanh xăng, dầu.

Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế theo ông cũng là một phần quan trọng để đẩm bảo việc chống thất thu thuế hiệu quả hơn về lâu dài./.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nói về quản lý thuế với các cửa hàng xăng dầu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục