Theo Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, kể từ khi thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay, hầu hết các mỏ khoáng sản sau khi được phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác đã và đang hoạt động có hiệu quả; hàng năm cung cấp trên 1 trăm triệu tấn đá vôi để sản xuất ximăng, hàng trăm triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường...
Tuy nhiên đến nay, công tác thẩm định, phê duyệt và quản lý trữ lượng khoáng sản vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải rà soát, đánh giá toàn diện để khai thác, quản lý hiệu quả hơn; cũng như "chống" lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản, nhất là đối với các loại khoáng sản đi kèm.
Tiềm năng khoáng sản lớn, quản lý còn bất cập
Thông tin tại Hội thảo “Công tác thẩm định, phê duyệt, quản lý trữ lượng khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đề xuất hoàn thiện trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản” diễn ra chiều 12/4, Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia Lại Hồng Thanh nhấn mạnh từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (1/7/2011) đến hết năm 2023, hội đồng và ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phê duyệt trữ lượng của gần 3.000 báo cáo thăm dò khoáng sản, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng trong nước và một phần xuất khẩu.
Hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có 12 chương và 117 điều
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Trong đó một số địa phương có trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã phê duyệt lớn như: Thanh Hoá trên 82 triệu m3 đất, cát san lấp, trên 600 triệu m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường; Nghệ An trên 80 triệu m3 đất, cát san lấp, trên 200 triệu m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường; Hà Nam trên 145 triệu m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường)...
Tuy vậy theo ông Thanh, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đến nay vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập trong thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, cũng như quản lý trữ lượng khoáng sản trong quá trình khai thác.
Đơn cử như trong khu vực hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá thải mỏ). Trong khu vực hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm cấp phép của địa phương cũng có khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (đá ốp lát, đá nguyên liệu ximăng, đá vôi công nghiệp).
“Vấn đề đặt ra là trong trường hợp đó, thủ tục để tổ chức, cá nhân được thăm dò/khai thác các loại khoáng sản như thế nào? Việc chuyển thẩm quyền phê duyệt/công nhận trữ lượng ra sao để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh thủ tục hành chính rườm rà, gây lãng phí khi điều chỉnh giấy phép?” ông Thanh lưu ý.
Hay như quy định phân cấp trữ lượng khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ông Thanh cho biết đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các thông tư quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của bộ. Tuy nhiên như than bùn thuộc thẩm quyền cấp phép của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
“Vì lý do đó khi phân cấp trữ lượng đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong quá trình thẩm định, phê duyệt - các địa phương còn lúng túng khi gặp các loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản khác thuộc thẩm quyền cấp phép của bộ (như đá khối, đá nguyên liệu ximăng, vôi công nghiệp),” ông Thanh nhấn mạnh.
Phải đánh giá chính xác trữ lượng
Chia sẻ giải pháp, đại diện Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cần nghiên cứu quy định chỉ đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã có tài liệu kết quả thăm dò, bởi tài nguyên khoáng sản rất khó xác định nếu không thông qua kết quả thăm dò để đánh giá sơ bộ về trữ lượng, phẩm cấp, hiệu quả kinh tế.
Lý do theo Cục Khoáng sản Việt Nam là bởi việc quy định đấu giá khi chưa có tài liệu thăm dò còn bất cập, dễ gây sai phạm trong việc xác định các điều kiện để đấu giá (trữ lượng, bước giá, giá khởi điểm,…). Với các mỏ khoáng sản khác, luật cần quy định về mặt bằng sạch trước khi tổ chức đấu giá.
Cùng quan điểm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất phương án bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường; bỏ quy định về đấu giá tại các mỏ chưa có tài liệu thăm dò.
Nguyên nhân theo cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Ninh là tài nguyên khoáng sản nói chung rất khó xác định nếu không thông qua kết quả thăm dò để đánh giá sơ bộ về trữ lượng, phẩm cấp, hiệu quả kinh tế. Hơn thế, việc quy định đấu giá khi chưa có tài liệu thăm dò rất bất cập, dễ gây sai phạm trong việc xác định các điều kiện để đấu giá (trữ lượng, bước giá, giá khởi điểm)…
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cũng đề nghị cơ quan xây dựng luật xem xét bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường; bỏ quy định về đấu giá tại các mỏ chưa có tài liệu thăm dò.
Ngoài ra, phía tỉnh Lào Cai đề nghị ban hành các văn bản quản lý phù hợp với đặc thù của loại hình khai thác cát, sỏi lòng sông (về thăm dò, đánh giá trữ lượng, thiết kế khai thác, thả phao, mốc giới khu vực khai thác, đóng cửa mỏ,…); hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm soát sản lượng, thống kê, kiểm kê trữ lượng, đánh giá sự bồi lắng đối với cát, sỏi; quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc đóng cửa mỏ cát, sỏi (nạo vét, khơi thông dòng chảy, thu dọn bến bãi).
Góp thêm ý kiến, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hiếu (Trường đại học Mỏ - Địa chất) cho rằng cần có quy định cụ thể về công tác cập nhật khối lượng mỏ bằng các công nghệ địa không gian hiện đại, chính xác; quy định về việc bổ sung các thông tin trong quá trình khai thác nhằm đảm bảo công tác quản lý trữ lượng và chất lượng khoáng sản khai thác hằng năm của mỏ.
Cùng với đó, ông Hiếu đề xuất tăng cường quản lý việc đánh giá chính xác trữ lượng địa chất và trữ lượng khai thác dựa trên thông tin chính xác về biên giới mỏ lộ thiên, hầm lò với các loại khoáng sản cụ thể; tăng cường công tác Chuyển đổi Số và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong việc quản lý trữ lượng và khai thác của mỏ, đặc biệt đối với các mỏ có quy mô lớn./.