Chống thất thoát cát san lấp: Phải quản chặt lượng cát khai thác từ lòng sông

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các tỉnh ngăn chặn khai thác cát trái phép; có giải pháp quản lý số lượng cát khai thác từ lòng sông không được vượt quá số lượng cát bồi đắp hằng năm.

Một đoạn sạt lở bờ sông do khai thác cát ở tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Một đoạn sạt lở bờ sông do khai thác cát ở tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thời gian gần đây, tình hình khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Vấn nạn này không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến bờ bãi, cũng như thiếu hụt nguồn cát san lấp phục vụ cho các công trình giao thông trọng điểm, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước thực tế trên, đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ngăn chặn khai thác cát trái phép; có giải pháp quản lý số lượng cát khai thác từ lòng sông không được vượt quá số lượng cát bồi đắp hằng năm; nghiên cứu khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án giao thông...

Khai thác cát trái phép còn “nóng”

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, từ năm 2022 đến nay, các ngành, địa phương của tỉnh này đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra tập trung trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm với nhiều đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ, qua đó xử phạt với số tiền trên 18 tỷ đồng.

“Kết quả trên cho thấy các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã rất nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tình hình khai thác trái phép cát lòng sông vẫn còn diễn biến phức tạp,” đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo vị đại diện này, là do hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện nay được đánh giá là siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp để khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hiện hành cũng còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe. Nhiều “kẽ hở” pháp luật đang bị các đối tượng khai thác trái phép lợi dụng để đối phó với cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép tại tỉnh Tiền Giang chưa được xử lý triệt để, diễn biễn phức tạp…

Tương tự, thời gian qua, hệ thống sông Tiền và sông Hậu đi qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh,… cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng khai thác cát cao hơn lượng cát bồi đắp lòng sông hằng năm.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp trong thời gian qua diễn ra rất nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ tàn phá môi trường sống, đe dọa an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

“Thực tế trên dẫn đến thiếu hụt các nguồn cung nguyên vật liệu thi công các dự án, công trình trọng điểm về an ninh, quốc phòng, về giao thông, công trình dân sinh,” đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương trăn trở.

Vì thế, để hạn chế sạt lở, đảm bảo nhu cầu cát phục vụ cho xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có giải pháp quản lý số lượng cát khai thác từ lòng sông không được vượt quá số lượng cát bồi đắp hằng năm.

Cùng với đó, các địa phương cần nghiên cứu áp dụng biện pháp rửa sạch cát biển để bổ sung cho lượng các sông thiếu hụt...

ttxvn_khai thac cat.jpg
Các tàu hút cát trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng bị bắt giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Chuyển cơ quan điều tra về các sai phạm

Thẳng thắn nhìn nhận việc khai thác cát không có giấy phép, khai thác lậu mà không ngăn chặn được là rất nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết theo Luật Khoáng sản năm 2010 và nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản đã được phân cấp quản lý mạnh ​ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng.

Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phân luồng kiểm tra và cùng các bộ, ngành và địa phương giám sát hoạt động khai thác cát.

Trong 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, qua đó phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm; đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy các hành vi vi phạm của các chủ dự án mỏ chủ yếu là sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

“Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là sai phạm có tính liên tục, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm,” ông Khánh nói.

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, thanh tra để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long,” để biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục